Trong buổi phỏng vấn với Kristen Welker của NBC hôm 8/12 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rằng ông không cam kết giữ Mỹ lại Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
"Nếu họ (các nước thành viên) tự chi trả hóa đơn (quân sự), tất nhiên rồi", ông Trump nêu điều kiện để không rút Mỹ khỏi NATO, theo NBC.
Ông Trump phát biểu trên sóng NBC hôm 8/12 (giờ địa phương). Ảnh: NBC. |
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump bày tỏ ý định đưa Mỹ rời khỏi liên minh quân sự với Canada và các nước châu Âu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump từng thảo luận với các cố vấn cấp cao rằng NATO là một gánh nặng đối với nước Mỹ, theo New York Times.
Thời điểm đó, Michèle A. Flournoy, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời ông Barack Obama, nhận định rằng việc ông Trump rút Mỹ khỏi NATO "sẽ là một trong những quyết định gây tổn hại nhất đối với lợi ích nước Mỹ mà một tổng thống có thể đưa ra".
"Quyết định ấy có thể hủy hoại nỗ lực kéo dài trong hơn bảy thập kỷ qua nhiều đời chỉnh quyền, với sự chung tay của cả lưỡng đảng, để tạo ra một trong những liên minh quân sự hùng mạnh nhất mọi thời đại", bà Flournoy nói.
Vào năm 2023, hai Thượng nghị sĩ Tim Kaine và Marco Rubio đưa ra một pháp chế quy định rằng bất kỳ tổng thống nào muốn rút Mỹ khỏi NATO phải đạt được sự đồng thuận của 2/3 Thượng viện hoặc được uỷ quyền thông qua đạo luật của Quốc hội.
Các nhà lập pháp đã thông qua biện pháp này như là một phần của Đạo luật ủy quyền quốc phòng tài chính 2024, sau đó được Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật.
Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cảnh báo rằng ông Trump có thể tìm cách "qua mặt" Quốc hội về việc rút khỏi NATO bằng cách viện dẫn quyền xử lý chính sách đối ngoại của tổng thống, theo Politico.