Đầu tiên là kịch bản số phiếu cho các ứng viên ở một số bang quá sát nút, dẫn đến tranh cãi. Giới chức của chính bang đó sẽ bất đồng về kết quả.
Kết quả là một bên sẽ công bố ông Trump thắng, một bên công bố ông Biden thắng. Quốc hội khi đến ngày chứng nhận kết quả bầu cử sẽ không biết phải chấp nhận kết quả nào.
Kịch bản thứ hai là không ứng viên nào giành được đủ 270 phiếu đại cử tri. Đến ngày họp để chứng nhận kết quả bầu cử, Hạ viện sẽ phải đứng ra trực tiếp bầu cho tổng thống.
Đây là bước được quy định trong luật, nhưng quy trình bỏ phiếu sẽ phức tạp. Theo quy định, mỗi bang chỉ tính như một phiếu, thay vì mỗi nghị sĩ một phiếu. Vì vậy, dù Hạ viện đang do đảng Dân chủ kiểm soát thì kết quả vẫn rất khó đoán.
Những kịch bản này khó có khả năng xảy ra. Nhưng trong một năm đặc biệt như năm nay, với một chính quyền Trump thường xuyên phá vỡ quy tắc, hai bên đều không muốn để hở một chút rủi ro nào.
Họ đều đã cử hàng nghìn luật sư tới khắp các bang chiến trường để tra cứu lại luật và chuẩn bị cho các cuộc chiến pháp lý, theo Politico.
Ông Trump và ông Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên 29/9. Ảnh: AP. |
Lo ngại ông Trump gieo hoài nghi về bầu cử
Đảng Dân chủ lo ngại rằng ông Trump - vốn nhất quyết không chịu hứa sẽ chấp nhận kết quả nếu thua cuộc - sẽ tìm cách gây hoài nghi về số phiếu tại các bang chiến trường. Ông Trump thậm chí có thể gây áp lực để các bang chứng nhận kết quả theo ý muốn của ông, nhất là khi quá trình kiểm phiếu qua thư quá lâu.
“Không có trò nào mà ông Trump không dám làm, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị trước”, cựu Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe nói với Politico. “Chúng ta không biết ông Trump sẽ làm gì”.
Ông Trump từng nói Tòa án Tối cao sẽ quyết định người thắng cuộc, thậm chí phát biểu công khai về kịch bản bầu cử bế tắc và phải do Quốc hội quyết định.
Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, đã yêu cầu các nghị sĩ Dân chủ tính đến khả năng Hạ viện sẽ phải đứng ra chọn tổng thống, và cân nhắc chi tiền tranh cử sao cho phù hợp.
Hiện ông Trump đang tụt lại trong các thăm dò ở các bang chiến trường mà ông buộc phải thắng. Nhưng khoảng cách biệt tại một số bang tương đối sát nút, và đều rơi vào khoảng sai số. Do vậy, chưa ứng viên nào cầm chắc phần thắng tại các bang như Pennsylvania, North Carolina.
“Trong một cuộc bầu cử sát nút... bên nào đang thua sẽ tìm mọi cách”, Benjamin Ginsberg, luật sư bầu cử từng đại diện cho bốn ứng viên đảng Cộng hòa trước đây, nói với Politico.
Nước Mỹ đã quen với việc có kết quả ai làm tổng thống vào đêm bầu cử. Nhưng năm nay, khả năng kết quả bị trì hoãn đã tăng lên vì đại dịch.
Số cử tri bỏ phiếu qua thư tăng kỷ lục, khiến kiểm phiếu mất nhiều thời gian hơn. (Kiểm phiếu qua thư thường lâu hơn phiếu bầu trực tiếp vì phải xác nhận phiếu, so sánh chữ ký.)
Nếu số phiếu quá sát nút sẽ dẫn đến việc phải kiểm phiếu lại, khiến càng mất thêm thời gian.
Các bang chiến trường như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania có thể là những bang tuyên bố người thắng chậm nhất vì luật ở đây yêu cầu phải đến ngày bầu cử mới bắt đầu được kiểm phiếu nhận về qua thư, chứ không cho kiểm phiếu trước như nhiều bang khác.
Phiếu gửi qua thư ở Las Vegas ngày 30/10. Ảnh: New York Times. |
Nếu bang không thể thống nhất người chiến thắng
Các nhà quan sát lo ngại sự chia rẽ đảng phải có thể khiến mọi bất đồng trở nên gay gắt hơn. Hồi tháng 6, Dự án Chuyển giao Quyền lực Liêm chính - một nhóm 100 chuyên gia liên bang, nhà thăm dò dư luận, chiến lược gia - mô phỏng các kịch bản có thể xảy ra sau ngày bầu cử nếu ông Trump tranh cãi kết quả. Họ tính đến khả năng kiện cáo và kiểm phiếu lại.
“Hầu hết mọi khả năng đều dẫn đến bạo loạn trên đường phố và khủng hoảng hiến pháp”, một người biết về các mô phỏng của dự án cho biết.
Việc kiểm phiếu có hạn chót “cứng”. Đến ngày 8/12, nhà chức trách ở từng tiểu bang phải chứng nhận kết quả ở bang mình và gửi về cho Quốc hội, tức chỉ có 5 tuần để giải quyết các tranh chấp hoặc kiểm phiếu lại.
Năm 2000, Florida vẫn còn đang kiểm phiếu lại khi hạt chót tới gần, và sau đó Tòa án Tối cao yêu cầu ngừng việc này.
Năm nay, một số bang đã lùi thời hạn nhận phiếu qua thư vì sợ bưu điện quá tải. Việc kiểm phiếu đầy đủ có thể lâu hơn thường lệ, dẫn đến kịch bản một ứng viên tuyên bố thắng một bang nào đó vào đêm bầu cử, để rồi ứng viên kia tuyên bố chiến thắng khi phiếu qua thư được kiểm.
Lo ngại về điều này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa, bang Florida) đề xuất dự luật lùi thời hạn 8/12 sang ngày 1/1, nhưng chưa được hưởng ứng.
Cử tri xếp hàng tại bang Minneapolis. Ảnh: AP. |
Nếu một bang nào đó tới hạn chót mà chưa kết luận được ai chiến thắng, tình hình sẽ trở nên khó đoán. Hội đồng lập pháp của bang có thể tuyên bố một kiểu, trong khi thống đốc lại tuyên bố khác.
Hiện bốn bang chiến trường đang có hội đồng lập pháp nghiêng về phe Cộng hòa trong khi thống đốc là người của đảng Dân chủ.
Theo luật, hội đồng lập pháp có quyền chọn ứng viên thắng và đưa toàn bộ phiếu đại cử tri về cho người đó. Nhưng mỗi bang có quy trình riêng cho chuyện này, và nhiều nơi quy định khá mơ hồ.
Nếu Quốc hội nhận được hai kết quả khác nhau của cùng một bang, Quốc hội sẽ buộc sẽ phải lựa chọn một. Và luật không hề có hướng dẫn cho trường hợp này. Nếu hai viện của Quốc hội do hai đảng khác nhau kiểm soát, không rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo, theo Politico.
Kịch bản này từng xảy ra năm 1876, được coi là kỳ bầu cử tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ. Năm đó, ba bang là Florida, Louisiana, South Carolina đều gửi về các cặp kết quả bất đồng.
Quốc hội lập ra một ủy ban để lựa chọn, và họ bỏ phiếu dựa theo đảng phái, bầu ra Tổng thống Cộng hòa Rutherford Hayes.
Nếu không ứng viên nào đạt 270 phiếu đại cử tri
Kịch bản thứ 2 có thể xảy ra vào ngày 6/1/2021, khi Quốc hội họp để chứng nhận toàn bộ cuộc bầu cử.
Bình thường, đây sẽ chỉ là bước hình thức. Nhưng nếu đến lúc này, chưa ứng viên nào đạt được 270 phiếu đại cử tri thì quyền quyết định sẽ về tay Hạ viện. Kịch bản này từng xảy ra năm 1800 và 1824.
Nếu không ứng viên nào giành được 270 phiếu đại cử tri, quyền quyết định về tay Hạ viện. Ảnh: Getty Images. |
Nhưng Hạ viện sẽ không bỏ phiếu theo kiểu mỗi nghị sĩ một phiếu, mà từng bang sẽ xem đa số các nghị sĩ trong bang đó chọn ai. Rồi ứng viên nào được nhiều bang chọn hơn sẽ chiến thắng.
Đảng Dân chủ hiện kiểm soát Hạ viện, nhưng nếu tính từng bang thì đảng Cộng hòa nắm 26 bang còn đảng Dân chủ nắm 22 bang. Bang Pennsylvania thì hai bên hòa nhau, còn ở Michigan, đảng Dân chủ có lợi thế 7 - 6, nhưng còn một nghị sĩ độc lập Justin Amash.
Nếu kịch bản này xảy ra thì ai chiến thắng trong các cuộc đua ở Hạ viện (cũng diễn ra ngày 3/11 tới) sẽ rất quan trọng. Dù đảng Dân chủ chỉ giành thêm được vài ghế hạ nghị sĩ cũng có thể đem về cho phe mình số bang nhiều hơn đảng Cộng hòa.
“Viễn cảnh nước Mỹ - một trong những nền dân chủ lâu đời nhất thế giới - vốn chưa có vấn đề gì trong rất nhiều năm, tự nhiên có vấn đề chỉ vì ông Donald Trump bịa đặt sai sự thật, quả là điều khó chấp nhận”, David Lublin, chuyên gia bầu cử ở Đại học American, nói với Politico.