Quan điểm này được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh tại Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạnh Việt Nam, diễn ra sáng 13/6. Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sự kiện này.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhận định người làm báo hôm nay đã và đang phát huy vai trò xung kích, không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi “đầu sóng”, “ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Các nhà báo cũng đã bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính chất phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực…
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề. Ảnh: Quang Phúc. |
Theo đánh giá của ông Vượng, nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú, chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các sản phẩm báo chí không ngừng được nâng cao. Đông đảo những người làm báo đã chịu khó học hỏi, nâng cao tri thức, trình độ tác nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng.
Cùng với đó, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí, nhiều phóng viên đã có thông tin, phản ánh sinh động công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác.
Theo Thường trực Ban Bí thư, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những cơ hội to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ.
Những thành tựu của khoa học - công nghệ đã làm cho báo chí có bước phát triển vượt bậc, song cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của báo chí truyền thống, tạo ra sự cạnh tranh giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội...
Để báo chí hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và có thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề.
“Đặc biệt, phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí”, ông Vượng nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan triển lãm 95 năm báo chí các mạng Việt Nam. Ảnh: Quang Phúc. |
Thường trực Ban Bí thư cho rằng báo chí phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên Internet, mạng xã hội.
Ngoài ra, ông đề nghị những người làm báo thực hiện nghiêm 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo, cùng với những sai sót về tư tưởng chính trị, lịch sử trong ấn phẩm, ảnh hưởng tới niềm tin, gây tâm lý băn khoăn, hoài nghi về đội ngũ người làm báo trong xã hội.
“Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.