Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trần Quí Thanh và Nữ hoàng văn hóa tâm linh rời Ban Chống hàng giả

Đồng loạt 4 trong số 6 trưởng, phó ban phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam đã viết đơn xin từ chức chỉ sau vài ngày ra mắt vì lý do “cá nhân” và “không đủ năng lực".

Ngày 28/6, Ban phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam chính thức ra đời dưới quyền quản lý của Viện Công nghệ chống làm giả, có chức năng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất.

Theo cơ cấu hoạt động, Ban này gồm 1 trưởng ban và 5 phó ban. Trong đó, gồm ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát và cả bà Phạm Nữ Hiền Ngân (sinh năm 1987) - một “bà đồng” chưa từng điều hành doanh nghiệp, được giới thiệu là "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam".

Đến ngày 5/7, bà Phạm Nữ Hiền Ngân đã chủ động gửi thư tay xin từ nhiệm khỏi vị trí phó trưởng ban này với lý do “không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao”. Zing.vn đã liên hệ với bà Ngân nhưng chưa nhận được phản hồi.

nu hoang van hoa tam linh anh 1
Bà Phạm Nữ Hiền Ngân gửi thư xin từ nhiệm khỏi vị trí phó trưởng ban hôm 5/7. Ảnh: Ban PTTHDN&CHG VN

Trước đó, ngày 4/7, ba phó trưởng ban khác, trong đó có ông Hoàng Văn Trưởng và ông Trần Quí Thanh cũng gửi thông báo xin rút lui. Ông Thanh đưa ra lý do về “cá nhân và sức khỏe”, còn ông Trưởng cho biết “không đủ năng lực, không thể tiếp tục”.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Nguyễn Đức Khôi - Trưởng phòng Quan hệ công chúng của Công ty Tân Hiệp Phát, cho biết “qua sự đề cử của một số doanh nhân, ông Trần Quí Thanh có tham gia và được bổ nhiệm làm phó trưởng ban. Nhưng sau đó, ông nhận ra không có đủ thời gian để đảm nhận chức trách khi ban đi vào hoạt động, đồng thời tình hình sức khỏe cũng không cho phép, nên ông quyết định xin từ nhiệm”.

Trước đó, việc bà Ngân có tên trong danh sách khiến dư luận nổi sóng. Danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” được trao cho bà Ngân trong chương trình “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần XNK Ôtô Ngọc Minh tổ chức. Chương trình này cũng đồng thời trao tặng nhiều danh hiệu nữ hoàng, á hoàng cho một số doanh nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Năm 2019, BTC thông báo lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội, nhưng Sở VHTT&DL Hà Nội khẳng định không hề cấp phép tổ chức lễ trao giải này.

Câu hỏi đặt ra là các tiêu chí bầu chọn và hội đồng bầu chọn như thế nào, khi những thông tin được biết đến về bà Ngân chỉ là các danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng”, “Trái tim vàng vì cộng đồng”; "cô hầu đồng đẹp nhất” để quảng bá Hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới. Đây đều là những danh hiệu có được từ các cuộc thi “ao làng”, lại được dùng để đánh giá về những đóng góp của một cá nhân cho cộng đồng...

Không ít độc giả tỏ ra bất bình, “liệu một người ‘giả’ có chống hàng giả được không”.

Trao đổi với báo giới, ông Hoàng Văn Trưởng - Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, cho biết bà Ngân tự ứng cử và được Viện Công nghệ chống làm giả chấp nhận.

Trước những lùm xùm xung quanh việc thành lập Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khẳng định không tham gia và chỉ đạo sự việc này.

'Nữ hoàng văn hóa tâm linh' xin rút khỏi Ban chống hàng giả Bà Phạm Nữ Hiền Ngân với danh phong Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam đã có đơn xin rút lui khỏi ban này với lý do không đủ chuyên môn.

'Nữ hoàng văn hóa tâm linh' và những danh xưng nhan sắc kỳ lạ

Nhiều cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước đang bùng nổ vô tội vạ. Theo đà ấy, ngày càng xuất hiện những cuộc thi với tên gọi lạ lùng, nhiều danh xưng như từ trên trời rơi xuống.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm