Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trần Hoàng Ngân: Vẫn còn dư địa để kiềm chế giá xăng dầu

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng việc kiềm chế giá cả leo thang cần được đẩy nhanh, tránh gây thêm khó khăn cho người dân, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19.

“Nền kinh tế giờ phải đối mặt với 2 bài toán lớn: Nguy cơ đình trệ và lạm phát leo thang. Đây là một thách thức rất lớn cho sự điều hành của Chính phủ”, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ với Zing.

Ông nhấn mạnh nền kinh tế vốn đã chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 trong 2 năm qua, đang đến lúc cần phục hồi thì gặp phải cú sốc về giá cả leo thang. Nếu không xử lý tốt cả 2 vấn đề sẽ gây khó khăn lớn cho nền kinh tế, đời sống của người dân.

Tuy vậy, ông nhấn mạnh có những cú sốc mang tính ngắn hạn, cần bình tĩnh theo dõi và có cách xử lý một cách hợp lý, không nên quá hoang mang và lo lắng.

Giá xăng trong nước đã gần chậm mốc 30.000 đồng/lít, gây ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng khác. Ảnh: Chí Hùng.
kiem che gia xang dau anh 1
kiem che gia xang dau anh 1

Giá xăng trong nước đã gần chậm mốc 30.000 đồng/lít, gây ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng khác. Ảnh: Chí Hùng.

Nhanh chóng kiềm chế giá xăng dầu

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong lịch sử kinh tế Việt Nam, có những năm lạm phát lên đến 23% như năm 2008 hay 18% của năm 2011. Do vậy, việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là một mục tiêu quan trọng. Từ năm 2015 đến 2021, lạm phát luôn duy trì dưới 4%. Tuy nhiên, ông lo ngại lạm phát năm 2022 “có nguy cơ cao hơn 4%”.

Hiện tại, Việt Nam là một trong 5 nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, bất cứ một cú sốc nào trên thị trường thế giới cũng ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam chịu tác động lớn từ cú sốc thị trường năng lượng thế giới, ở đây là giá xăng dầu, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

kiem che gia xang dau anh 2

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Hoàng Hà.

Không chỉ vậy, những biến động đó làm ảnh hưởng đến cả giá cả phân bón, than đá, lương thực, nguyên vật liệu... “Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang thì khó có thể giữ lạm phát ở dưới 4%. Lúc này cần xem lại nền kinh tế đang gặp vấn đề ở đâu, và có cách xử lý cụ thể cho các vấn đề đó”, ông Ngân đánh giá.

Hiện tại, nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy, chủ yếu do nguồn cung xăng dầu trên thế giới. Bài toán lớn nhất cần giải là kiểm soát giá xăng dầu trong nước ở mức hợp lý, không quá sốc với nền kinh tế. Ông Ngân khuyến nghị cần giảm nhanh thuế bảo vệ môi trường. Hiện tại, Chính phủ chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mức giảm 50% sắc thuế này, nghĩa là 2.000 đồng/lít.

Còn dư địa để bình ổn giá xăng

Tuy vậy, ông mong muốn giải pháp này cần được thực hiện nhanh hơn. Tránh việc giá xăng dầu lên, thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới rồi, dẫn tới đời sống người dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, nhiều người bị giảm thu nhập do dịch Covid-19, sức mua giảm, đời sống khó khăn. “Cú sốc giá cả làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Cần phải đẩy nhanh các biện pháp điều hành”, ông nói.

Giải pháp thứ hai được khuyến nghị là cần tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, “tát nước theo mưa” tăng giá ồ ạt... Các cơ quan hữu trách cần xử lý nghiêm tình trạng tự ý tăng giá, tin đồn nhảm gây ảnh hưởng đến thị trường giá cả… Nếu xăng dầu trong nước chênh lệch với giá các nước lân cận, thì cần mạnh tay xử lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

kiem che gia xang dau anh 3

Ông Trần Hoàng Ngân mong muốn Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, giúp kích thích sản xuất, tăng tổng cung của nền kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Khi được hỏi nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, có thể lên 200 USD/thùng, ông Ngân cho rằng Việt Nam vẫn còn những dư địa để bình ổn giá. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, vẫn còn 50% nữa có thể sử dụng nếu diễn biến giá cả leo thang mạnh hơn. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là 10% vẫn còn nguyên, chưa được sử dụng.

Tuy nhiên, nếu giảm một cách nhanh chóng các loại thuế sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, cũng gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giảm thuế có thể được cân nhắc khi có bù đắp nguồn thu khác từ việc bán dầu thô, do được giá.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng cho rằng hiện nay cả thế giới đều lo lắng về giá xăng dầu, nên thế giới có trách nhiệm chung, giảm đà tăng này lại. Hiện tại, giá xăng dầu đã chững lại theo những tín hiệu khả quan từ các cuộc đàm phán.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn

Nói về tình thế hiện nay, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng Việt Nam đang đối mặt 2 vấn đề, vừa nguy cơ đình trệ tăng trưởng, vừa nguy cơ lạm phát leo thang. Điều này khác với một số nước EU và Mỹ. Các nước này trước đây tung ra các gói kích thích kinh tế sớm hơn Việt Nam, nới lỏng tiền tệ và chấp nhận một mức lạm phát nhất định. Hiện tại, các nước này đã bước vào giai đoạn thắt chặt tiền tệ.

Trong khi đó, Việt Nam mới triển khai chương trình phục hồi kinh tế đã phải đối mặt nỗi lo lạm phát tăng cao. Ông Ngân đánh giá đây là một thách thức rất lớn, bởi cùng lúc phải giải 2 bài toán khó. Nếu chỉ phải giải một bài toán sẽ đơn giản hơn. Do đó, cần các biện pháp rất linh hoạt, khéo léo. Chính sách tài khóa phải rất chặt chẽ, tiết kiệm; chính sách tiền tệ chưa vội thắt chặt ngay.

Chính phủ cũng cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhiều hơn. Đầu tư công phải triển khai theo đúng kế hoạch, dứt điểm, được giám sát chặt chẽ, không dở dang gây lãng phí

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Chính phủ cần triển khai nhanh hơn gói tài khóa và tiền tệ, giúp cho doanh nghiệp có sự hỗ trợ lãi suất 2%, giúp tăng tổng cung, giảm cú sốc cung - cầu hiện tại. Chính phủ cũng cần hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhiều hơn. Đầu tư công phải triển khai theo đúng kế hoạch, dứt điểm, được giám sát chặt chẽ, không dở dang gây lãng phí.

Việc Chính phủ sắp triển khai chương trình phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, ông Ngân nhấn mạnh khi thiết kế chương trình phục hồi kinh tế đã tính toán đến lạm phát. Ngoài ra, việc huy động tiền trong gói hỗ trợ cũng đã được tính toán, đầu tư đến đâu huy động đến đó.

Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh lạm phát, trong đó việc tăng giá dầu thô, chỉ là cú sốc ngắn hặn. Việc điều hành linh hoạt nhưng cũng cần phải tính đến dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi những cú sốc ngắn hạn.

Bài liên quan

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm