Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Tây sắm xe đạp thể thao bán xúc xích ở Sài Gòn

Để phù hợp di chuyển ở đường sá Sài Gòn, ông Klaus Rutt, người Đức, đã thiết kế hàng loạt xe đạp thể thao giá trên dưới 1.000 USD chuyên kéo thùng xúc xích phía sau đi bán.

Ông Klaus Rutt, người Đức, vốn nổi tiếng với hàng xúc xích Đức truyền thống của gia đình được bán trên xe tải ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM. Vì muốn phát triển hệ thống bán lẻ xúc xích của mình, ông đã cho sản xuất hàng loạt gian hàng riêng được kéo bằng những chiếc xe đạp thể thao.

Mẫu thiết kế được ông đem từ châu Âu về Việt Nam. Song để phù hợp với đường sá và khí hậu ở Sài Gòn, tất cả các xe đều được thiết kế lại từ kích thước, bánh xe đến thùng đựng xúc xích.

Hàng ngày, ông Klaus Rutt đạp xe từ nhà ở Phú Nhuận qua đường Trần Quang Khải, quận 1 để bán xúc xích. Ảnh: Zen Nguyễn. 

Klaus Rutt cho biết, mất khá nhiều thời gian, ông mới tìm được nơi sản xuất thùng xe theo đúng yêu cầu là sử dụng loại inox không gỉ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nói về ý tưởng đầu tư các cửa hàng xúc xích kéo bằng xe đạp, ông chủ người Đức cho biết, nhiều điểm bán nằm trong các con đường nhỏ và hẻm sâu, xe tải không vào được. Việc đầu tư những chiếc xe đạp này giúp ông đưa hàng đến nhiều khách hơn. Xe đạp lại tiết kiệm nhiều chi phí, thân thiện với môi trường và khách hàng.

"Một chiếc xe tải nhỏ có giá 200-400 triệu đồng nhưng chỉ bán được tại một điểm. Với số tiền này chúng tôi có thể đầu tư 10-20 chiếc xe đạp và thùng kéo, đưa xúc xích đến bán ở nhiều nơi", ông Klaus tính toán.

Anh Hoàng Biên (quận 12), người gia công mẫu xe bán hàng mới này cho biết, giá mỗi thùng xe là 16 triệu đồng. Riêng chiếc xe đạp thể thao có giá khoảng 5 triệu đồng, chưa tính chi phí trang trí đèn, bảng hiệu. Hiện nay, anh đã giao được 3 chiếc trong tổng đơn hàng 20 xe cho vị khách người Đức. 

“Đây là lần đầu tiên tôi nhận được đơn hàng có thiết kế lạ đến vậy. Thùng xe tận dụng tối đa diện tích để có thể lắp thêm các bảng quảng cáo phía trên và hai bên sườn xe. Phải mất 7 ngày tôi mới hoàn thành xong một chiếc thùng như thế này”, anh Biên nói.

Cũng như nhân viên, hàng ngày, ông Klaus Rutt vẫn đích thân đạp xe từ nhà ở Phú Nhuận qua đường Trần Quang Khải (quận 1) để bán xúc xích. Hình ảnh ông Tây thân thiện với chiếc xe xúc xích không “đụng hàng” trở nên quen thuộc với nhiều khách hàng.

Phía dưới khay đựng là hộc đá để giữ xúc xích luôn tươi. Mỗi buổi bán xe tiêu thụ hết 5-10 kg đá. Ảnh: Zen Nguyễn.

Anh Thuận, một khách “ruột” của ông Klaus cho biết: “Người nước ngoài có nhiều sáng kiến bán hàng độc đáo. Tôi hay mua xúc xích của ông Tây này từ khi bán bằng xe tải. Với chiếc xe mới, tôi rất thích vì phù hợp với điều kiện bán hàng vỉa hè ở Việt Nam. Khách trực tiếp nhìn thấy và lựa chọn được nhiều món ăn, thay vì phải nhìn menu”.

Theo anh Thuận, ưu điểm của chiếc xe nói trên là len lỏi vào từng con hẻm. Tuy vậy, vì phải đạp xe bằng chân nên chủ hàng phải mất khá nhiều thời gian, công sức mới đưa được xúc xích đến điểm bán. 

 

Zen Nguyễn

Bạn có thể quan tâm