Khi ông Rishi Sunak được Ủy ban 1922 tuyên bố là nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ trong tuần này, rất ít người để ý một sự kiện mang tính kỷ niệm. Tháng này đánh dấu tròn 100 năm các nghị sĩ đảng Bảo thủ từ bỏ liên minh mà cựu Thủ tướng David Lloyd George dẫn dắt kể từ khi Thế chiến I kết thúc, theo Guardian.
Quyết định này đã được chứng minh là một chiến thắng của đảng Bảo thủ. Đảng này đã thắng trong cuộc bầu cử sau đó và giành được nhiều ưu thế trên chính trường Anh trong thế kỷ XX. Và đó cũng là lý do cho cái tên của Ủy ban 1922.
Liệu ông Sunak có thể giúp đảng Bảo thủ đạt được điều đó vào thế kỷ thứ hai hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ, khi lịch sử không thể soi sáng tương lai.
Nhiệm vụ của ông Sunak vào lúc này
Theo Guardian, nhiệm vụ của tân thủ tướng Anh giờ đây không phải là giúp đảng Bảo thủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, mà là tránh một cuộc bầu cử thảm họa. Một sự hồi sinh của đảng Bảo thủ giống sự kiện vào năm 1922 được cho là vẫn còn một chặng đường dài.
Bằng chứng rõ ràng nhất về điều đó là quyết định tái bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, chưa đầy một tuần sau khi bà từ chức vì vi phạm quy định về email.
Vấn đề này đã chi phối các câu chất vấn đầu tiên dành cho Thủ tướng Sunak và nó sẽ không sớm biến mất. Tuy nhiên, đó cũng không phải vụ việc duy nhất có thể ảnh hưởng tới vị trí lãnh đạo của ông Sunak.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi về sự trở lại của ông Gavin Williamson - quan chức bị cựu Thủ tướng Theresa May sa thải vì làm rò rỉ thông tin mật. Tuy nhiên, hiện tại, bà Braverman là vấn đề có thể làm rung chuyển nội các của ông Sunak sớm nhất.
Tại phiên chất vấn thủ tướng, ông Sunak đã cố gắng bác bỏ đơn từ chức của bà Braverman, coi đó là một đánh giá sai lầm. Tuy nhiên, Guardian cho rằng hành vi của bà Braverman đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman bước ra khỏi số 10 Phố Downing hôm 26/10. Ảnh: Reuters. |
Bà đã gửi email về chính sách bí mật cho nghị sĩ John Hayes, và cố gắng chuyển email tương tự cho vợ ông Hayes nhưng gửi nhầm đến văn phòng của một nghị sĩ khác. Các quan chức đưa ra cảnh báo rằng bà Braverman có thể đã chia sẻ thông tin nhạy cảm ra bên ngoài.
Với tư cách là bộ trưởng Nội vụ - vốn chịu trách nhiệm về những vấn đề như an ninh, biên giới,... những hành vi như vậy có thể mang đến những hệ lụy lớn.
Giờ đây, ông Sunak có thể đấu tranh để kết thúc câu chuyện này và ngăn chặn một cuộc điều tra có thể buộc ông phải ra quyết định về việc có nên để bà tiếp tục đảm nhiệm vị trí này hay không.
Ngay cả khi ông thành công, việc bổ nhiệm đó cũng sẽ làm tổn hại danh tiếng của vị tân thủ tướng, khi tính chính trực là một trong những thế mạnh của ông.
Khi từ chức bộ trưởng Tài chính trong chính quyền của cựu Thủ tướng Boris Johnson, ông Sunak khẳng định công chúng thực sự mong đợi chính phủ được điều hành đúng đắn và nghiêm túc.
Khi trở lại số 10 Phố Downing trong tuần này, ông đã hứa rằng chính phủ của mình sẽ có tính liêm chính, chuyên nghiệp và trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ. Việc tái bổ nhiệm bà Braverman không phù hợp với bất kỳ nội dung nào trong số đó.
Ông Sunak bổ nhiệm bà Braverman, lý do một phần liên quan đến chính sách. Ông Sunak dường như vẫn tin rằng kinh tế tân tự do có thể cùng tồn tại với các biện pháp hạn chế nhập cư.
Tuy nhiên, việc tái bổ nhiệm bà Braverman nhấn mạnh đến điểm yếu của ông hơn là việc công nhận quan điểm của bà. Sự hỗ trợ dành cho ông Sunak ở giai đoạn quan trọng trong cuộc đua lãnh đạo đảng Bảo thủ cuối tuần trước đã giúp bà Braverman được tái bổ nhiệm.
Trước tình hình tồi tệ mà đảng Bảo thủ phải đối mặt, ông Sunak chắc chắn đúng khi cố gắng đoàn kết đảng này. Khác với bà Truss, thay vì lựa chọn nội các của mình dựa trên lòng trung thành, ông Sunak đã dựa trên năng lực.
Điều này đồng nghĩa với việc bổ nhiệm một số người mà Sunak không muốn có mặt trong nội các. Đó là lý do không chỉ bà Braverman được tái bổ nhiệm, ông còn giữ ghế cho Ngoại trưởng James Cleverly, Bộ trưởng Môi trường Thérèse Coffey hay Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.
Thời điểm phải lựa chọn
Ông Sunak sẽ không trở thành “viên đạn ma thuật” của đảng Bảo thủ, và việc bổ nhiệm bà Braverman đã nhấn mạnh điều đó. "Viên đạn ma thuật" là thuật ngữ nói về một giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề.
Guardian cho rằng ông không xuất sắc như những gì phe ủng hộ ông tuyên bố. Ông đã mắc phải những sai sót đáng kể tại Bộ Tài chính Anh và thiếu kinh nghiệm về mặt chính trị.
Theo New York Times, khi thành lập nội các và bắt đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, ông Sunak cũng gặp phải những thách thức chính trị lớn.
Các nhà phân tích cho rằng sự nghiệp 7 năm trong chính trường Anh đã không giúp ông chuẩn bị đầy đủ để đối phó với điều đó. Cuộc bầu cử chóng vánh vừa qua cũng có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của ông.
Thủ tướng Anh Sunak phát biểu lần đầu trên cương vị thủ tướng. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh ông Johnson và bà Truss lần lượt bị hạ bệ, ông Sunak chắc chắn là sự lựa chọn tốt nhất hiện có.
Đảng Bảo thủ có công lao lớn khi đã chọn thủ tướng gốc Á đầu tiên của Anh, song những người ủng hộ đảng này cũng không nên phóng đại sự khác biệt mà chiến thắng của ông sẽ tạo ra. Tuy nhiên, những người phản đối đảng Bảo thủ cũng không nên đánh giá thấp điều đó.
Cuộc khủng hoảng của đảng Bảo thủ vẫn chưa kết thúc. Tuyên bố kinh tế mùa thu của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, được hoãn lại đến ngày 17/11, sẽ là thời điểm quyết định tiếp theo. Đó là lúc họ phải lựa chọn.
Theo Reuters, quyết định trì hoãn đó đã làm tăng nhanh chi phí đi vay của Anh trên thị trường tài chính, nhưng không dẫn đến việc bán tháo trái phiếu như kế hoạch của bà Truss từng gây ra trước đó.
Đối với kế hoạch tài chính mới, họ có thể cắt giảm chi tiêu, tăng thuế hoặc cố gắng kết hợp cả hai điều này - một động thái sẽ không làm hài lòng nhiều người.
Trong bối cảnh lãi suất, lạm phát và giá năng lượng đều tăng, đình công,... đó sẽ là một mùa ảm đạm đối với ông Sunak và đảng Bảo thủ - cho dù họ có sát cánh cùng nhau hay không.