Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP. HCM, hưởng thọ 85 tuổi. Ông là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam đến thăm Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Nhân dịp này, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến gửi cho Zing.vn bài viết nhìn lại chuyến đi lịch sử diễn ra năm 2005. Dưới đây là nguyên văn toàn bộ bài viết (tiêu đề và tít phụ do chúng tôi đặt lại).
Thủ tướng Phan Văn Khải hội đàm với Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng ngày 21/6/2005. Ảnh: AFP/Getty. |
Cuộc thăm diễn ra sau 30 năm từ khi kết thúc chiến tranh (1975) và 10 năm từ ngày hai nước có quan hệ ngoại giao chính thức (1995). Điều đó cho thấy việc bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ từ sau cuộc chiến tranh ác liệt là một quá trình thật khó khăn.
Tuy nhiên cho đến nay, nhiều thành quả của tiến trình đó đã làm nhiều người ngạc nhiên, thậm chí có đánh giá đó là hình mẫu về việc cải thiện quan hệ giữa các cựu thù. Cuộc thăm của ông Khải năm 2005 là một dấu mốc lịch sử trên nhiều mặt.
Từ hòa giải đến hợp tác
Một là, nếu nói cuộc thăm Việt Nam năm 2000 của ông Clinton (cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton - PV) là biểu tượng hòa giải hai nước thì cuộc thăm Mỹ của Thủ tướng Khải đã đưa quan hệ vào "đường ray đối tác nhiều lĩnh vực". Tuyên bố Cấp cao Việt - Mỹ đầu tiên đạt được trong cuộc thăm đã nêu những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa hai nhà nước, bao gồm bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lâu dài ổn định cũng như việc Mỹ tuyên bố tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Việt Nam.
Đó là kết quả lớn về chính trị đối ngoại. Cùng với việc đạt được cách tiếp cận mới phù hợp thực tế, thông qua đối thoại về các vấn đề còn khác biệt như tự do tôn giáo, việc Mỹ cam kết đẩy mạnh hợp tác giải quyết những vấn đề nhân đạo sau chiến tranh, hợp tác giáo dục và nhiều lĩnh vực khác đã tạo cơ sở pháp lý đầu tiên để phát triển quan hệ lâu dài trong nhiều lĩnh vực. (Đến năm 2013 vừa qua, khuôn khổ này đã được nâng lên mức mới, thành "đối tác toàn diện").
Hai là, cuộc thăm đánh dấu mốc quan trọng về hội nhập kinh tế vì phát triển của Việt Nam. Sau 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA 2001), cho đến trước cuộc thăm, quan hệ song phương đã đạt những kết quả thiết thực như kim ngạch hai chiều tăng từ không đầy 1 tỷ USD năm 2000 lên đến gần 7 tỷ USD năm 2005 (và đến 2017 đã lên đến 50 tỷ USD).
Hai bên cũng học được cách ứng xử qua các xung đột thương mại đầu tiên, như việc Mỹ nêu vụ chống bán phá giá cá basa vào tháng 2/2002, áp đặt hạn ngạch hàng dệt may, chất phụ gia đối với hải sản Việt Nam từ 2003...; góp phần củng cố lòng tin vào hợp tác cùng có lợi.
Cuộc thăm đã tạo đà mới cho BTA, và việc Mỹ tuyên bố ủng hộ Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong dịp này là xung lực cho tiến trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Như đã biết, các cam kết trong BTA cũng chính là điều kiện để Việt Nam vào WTO.
Từ phía Mỹ, việc thiết lập quan hệ buôn bán ổn định với Việt Nam khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn là một lợi ích đáng kể. Tổng thống Mỹ George W. Bush từng tuyên bố quan hệ kinh tế là "hòn đá tảng" trong quan hệ hai nước. Các cuộc gặp dày đặc của Thủ tướng Khải với các tập đoàn kinh tế Mỹ là một nét nổi bật của cuộc thăm, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam là một đối tác chứ không còn là một cuộc chiến tranh.
Ba là, với các kết quả trên, cuộc thăm đã tạo đà mới để thúc đẩy nhanh chóng tiến trình bình thường hóa và phát triển quan hệ với Mỹ nhằm thực hiện vững chắc chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam. Chúng ta chủ trương có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế nhằm củng cố vị thế của đất nước trong điều kiện cạnh tranh rất phức tạp trên thế giới, nhất là trong quan hệ giữa các nước lớn từ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush (1/2005).
Bốn là, cuộc thăm đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng người Việt tại Mỹ. Cuộc thăm Mỹ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên báo hiệu sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hợp tác giữa hai nhà nước, làm suy giảm chỗ dựa chính trị đối với các lực lượng chống đối. Tổng thống Bush đã nói với Thủ tướng Khải trong hội đàm rằng, chính sách của chính phủ Mỹ với Việt Nam căn cứ theo những điều phải làm chứ không theo những người biểu tình.
Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ sau chiến tranh. Ảnh: AFP/Getty. |
"Hậu trường" cuộc viếng thăm
Để cuộc thăm thành công, cả hai bên đều có những yếu tố thúc đẩy, nhất là kết quả của 5 năm thực hiện BTA và những bước tiến sau 10 năm đi vào quan hệ bình thường cùng sự thay đổi bối cảnh quốc tế. Cả hai bên đều có nhu cầu đưa quan hệ vào giai đoạn phát triển ổn định. Việt Nam có ưu tiên cao về phát triển kinh tế, cần nhanh chóng tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị với Mỹ, một trung tâm phát triển nhất.
Với chúng ta, Mỹ là khâu đột phá đối với quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Nếu Mỹ ngăn cản thì Việt Nam khó vào WTO. Ngược lại, từ phía Mỹ, sau 5 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn và sa lầy về quân sự, suy yếu về kinh tế.
Khi đàm phán tuyên bố chung đầu tiên, hai bên đã gặp nhiều khó khăn nhất là về các nguyên tắc quan hệ đã nói ở trên. Những điều đó tưởng là bình thường giữa hai quốc gia, nhưng lại là trở ngại lớn trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, hai cựu thù lại rất nhạy cảm về chính trị, cách tư duy khác nhau và hệ quả của quá khứ còn kéo dài. Kể cả những vấn đề như mức đón tiếp, chỗ ở, chương trình của đoàn… đều là những thỏa thuận khó khăn làm sao cho tương xứng với cuộc thăm cấp cao.
Các cuộc gặp dày đặc của Thủ tướng với “quá nhiều” tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, thăm trung tâm đào tạo Đại học Harvard nổi tiếng, không khí cởi mở khi hội đàm và thân mật khi tham quan trong Nhà Trắng giữa hai nhà lãnh đạo, và hàng loạt cuộc tiếp xúc cởi mở với các nghị sĩ quốc hội Mỹ, nhất là với nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam... là những kỷ niệm không thể quên, tạo hình tượng mới về một "đối tác" Việt Nam với xã hội Mỹ.
Về con người, với phong thái điềm đạm, chân thành, thủ tướng Việt Nam đã gây ấn tượng tốt đẹp. Có lúc hoạt động quá mệt, Thủ tướng vốn có thói quen hút thuốc, không câu nệ lễ tân, đã ra "ban công" Tòa nhà Quốc hội Mỹ "để lấy lại sức" bằng khói thuốc trong chốc lát. Với riêng tôi, tôi vẫn nhớ Thủ tướng đã phê bình khéo sao lại bố trí một chương trình "không tương xứng với tuổi tác của ông".
Những bước tiến dài
Chỉ không đầy 3 tuần sau khi tôi qua Mỹ thì xảy ra vụ 11/9/2001. Nước Mỹ tuyên bố tình trạng chiến tranh chống khủng bố và tiến hành "cuộc cách mạng dân chủ toàn cầu". Cả thế giới bị tác động mạnh bởi những biến cố lớn đó của chính trị Mỹ. Đến năm 2005 khi bắt đầu nhiệm kỳ hai của Tổng thống Bush, tôi đã rất lo lắng về những điều kiện để góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh đó.
Sự phát triển trong quan hệ hai nước được thể hiện qua cuộc thăm Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải (2005), của Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà (2003), của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2007, khi tôi kết thúc công tác ở Mỹ). Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng về hợp tác kinh tế - thương mại, giao lưu quân sự, đối thoại chính trị ngoại giao, tiến triển trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, mở rộng giao lưu nhân dân và nhất là quan hệ giữa cộng đồng người Việt với trong nước.
Thủ tướng Phan Văn Khải ký vào sổ lưu niệm tại văn phòng lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ Bill Frist trong chuyến thăm tháng 6/2005. Ảnh: AFP/Getty. |
Thực tiễn này cho thấy rằng nỗ lực cải thiện và bình thường hóa quan hệ theo phương châm vượt qua quá khứ, nhìn về tương lai, kiên trì thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, nắm bắt kịp thời những nhu cầu của nhau, ra sức tăng hiểu biết về văn hóa, thể chế và cách thức hợp tác của nhau là những yếu tố quan trọng, giúp hai nước vượt qua nhiều rào cản để đưa quan hệ phát triển nhanh.
Tám năm sau cuộc thăm của Thủ tướng Khải, đến năm 2013, quan hệ Việt - Mỹ đã tiến bước dài từ "hợp tác nhiều lĩnh vực" đến "đối tác toàn diện". Điều này có nghĩa từ đây không còn lĩnh vực nào là không thể hợp tác, và các triển vọng ngày càng tốt đẹp đang mở ra cho giao lưu giữa hai nước và hai nhân dân.
Trong số những "sự kiện đầu tiên" của lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, cuộc thăm của Thủ tướng Khải đã đặt đường ray cho hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa hai bên từ năm 2005, có tầm quan trọng không thể nào quên.
Xin tri ân sâu nặng Thủ tướng Phan Văn Khải, một nhà lãnh đạo đã cống hiến hết mình trong những năm mở đầu mở cửa, hội nhập đầy khó khăn, góp phần củng cố vị thế quốc tế mới của đất nước.
Ông Nguyễn Tâm Chiến, sinh năm 1948 tại Nghệ An, là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mỹ từ năm 2001 đến năm 2007. Ông tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, vào Bộ Ngoại giao từ năm 1972. Theo website Bộ Ngoại giao, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, trợ lý bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao.