Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Ông Phan Tiềm: Chúng tôi tự hào khi sinh viên ra trường có việc làm

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco Phan Tiềm tự hào khi sinh viên được đào tạo bài bản, chú trọng thực hành, ra trường đều có việc làm, kỹ năng tốt.

hoc co khi o dau anh 1

Là người gần như cả đời gắn bó với công tác đào tạo, ThS Phan Tiềm, Hiệu trưởng Cao đẳng Thaco đã dành nhiều tâm huyết với vùng đất Chu Lai, giúp phát triển nguồn nhân lực cho ngành cơ khí - ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất của đất nước.

Ông nhấn mạnh phương pháp đào tạo của nhà trường là tập trung vào kỹ năng thực hành, giúp sinh viên có thể sớm thạo nghề, ra trường làm được việc ngay. Mọi trang thiết bị đào tạo, vật tư đều được đầu tư theo những công nghệ mới nhất. Điều đặc biệt, các giảng viên liên tục cập nhật, nâng cao kiến thức bằng cách trực tiếp làm việc tại nhà máy ít nhất 2 tháng mỗi năm.

Cập nhật theo sự thay đổi của công nghệ

- Theo ông, với Trường Cao đẳng Thaco, đào tạo một công nhân cơ khí ôtô thì điều gì là khó khăn nhất?

- Công nghệ ôtô thay đổi liên tục, khó nhất là làm sao nắm bắt được nhu cầu công nghệ mới, cả lĩnh vực cơ khí và lĩnh vực ôtô. Chúng tôi luôn áp lực về chất lượng đào tạo, làm sao để học sinh, sinh viên ra trường làm được việc. Mà làm được việc hay không là do nhà máy có chấp nhận hay không, nói cách khác là họ không chê trường.

Để làm được điều đó thì đội ngũ giảng viên ở trường phải có những kỹ năng rất đặc biệt và lành nghề. Chúng tôi yêu cầu các giảng viên trong năm phải có ít nhất 2 tháng xuống trực tiếp nhà máy làm việc như một kỹ sư hay công nhân bình thường.

Chúng tôi cũng giữ các mối quan hệ tốt với các nhà máy, để giúp giảng viên trường có thể tham gia các khóa đào tạo chuyển giao công nghệ của các hãng xe. Ví dụ như năm nay, Mazda chuẩn bị ra mắt mẫu xe mới, sẽ có nhiều chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam, trực tiếp giảng dạy về công nghệ mới đó. Giảng viên của chúng tôi sẽ tham gia cùng nhà máy để học hỏi, cập nhật kiến thức.

Chúng tôi cũng có những thuận lợi nhất định. Các nhà máy của Thaco ở Chu Lai đều tạo điều kiện cho trường để đào tạo sinh viên giúp sinh viên sớm được tiếp cận với công việc thực tế và ra trường có thể đáp ứng được các nhiệm vụ trong nhà máy.

hoc co khi o dau anh 2

ThS Phan Tiềm chia sẻ: Trường Cao đẳng Thaco dạy 30% thời gian về lý thuyết, 70% thực hành. Ảnh: Việt Linh

Về chương trình đào tạo, chúng tôi bám sát khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng cũng vận dụng thêm các kiến thức mới từ các nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, Australia... Chúng tôi dạy 30% thời gian về lý thuyết, 70% thực hành. Trong số giờ thực hành thì 50% thực hiện tại trường, 50% thực hành tại nhà máy, hoặc đưa sinh viên đến các showroom của Thaco trên toàn quốc.

- Vậy chi phí đào tạo mà mỗi học viên phải đóng như thế nào thưa ông?

- Có thể nói để đào tạo được một công nhân cơ khí lành nghề ở đây đây rất tốn kém. Chúng tôi rất may mắn khi có thể sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại của các nhà máy. Nếu có những máy móc, mô đun đặc biệt mà nhà trường không có, chúng tôi có thể dẫn sinh viên sang trực tiếp nhà máy để học.

Chúng tôi còn được nhà máy hỗ trợ cả các vật tư để thực hành. Đây là điều rất quan trọng bởi nếu có máy móc, mà không có vật tư để thực hành cũng không mang lại kết quả cao.

hoc co khi o dau anh 3

Chi phí đào tạo hiện tại vào khoảng 3,7 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, nhà trường chỉ thu 700.000 đồng/tháng trên mỗi học viên. Ảnh: Việt Linh.

Theo tính toán, chi phí đào tạo hiện tại vào khoảng 3,7 triệu đồng/người/tháng. Tuy vậy, nhà trường chỉ thu 700.000 đồng/tháng trên mỗi học viên. Số tiền thiếu được Tập đoàn Thaco Industries và các nhà máy thành viên hỗ trợ.

Giảng viên phải rất giỏi thực hành

- Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, Trường cao đẳng Thaco sẽ gặp những áp lực gì để đào tạo ra những công nhân cơ khí lành nghề?

- Phải nói rằng đội ngũ của trường áp lực rất lớn. Sau mỗi khóa đào tạo, chúng tôi lại phải thay đổi và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn.

Một giáo viên để dạy được ở Trường cao đẳng Thaco phải có kiến thức, kỹ năng thực hành và cả trình độ sư phạm. Ví dụ một kỹ sư học trường Bách khoa có thể rất giỏi về quản lý, nhưng ở đây chúng tôi còn yêu cầu giảng viên phải thực hành giỏi.

Áp lực về thay đổi công nghệ và cập nhật kiến thức khiến chúng tôi yêu cầu giảng viên một năm phải xuống làm việc ở nhà máy ít nhất 2 tháng. Điều đó làm nhiều giảng viên cảm thấy áp lực, vất vả hơn là chọn giảng dạy ở một trường khác.

Bởi vậy, chúng tôi phải thu hút và đãi ngộ giảng viên xứng đáng, tạo mọi điều kiện để họ yên tâm giảng dạy.

- Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, đóng góp quan trọng cho xã hội, nhưng việc thu hút nhân lực cho lĩnh vực này ngày càng khó. Theo ông, làm thế nào để thu hút được nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này?

- Thế mạnh của Trường cao đẳng Thaco là đào tạo về công nghệ ôtô và cơ khí. Những năm gần đây, chúng tôi ngay cả tuyển sinh về công nghệ ôtô cũng đang gặp khó. Như chúng ta đều biết nhiều trường cao đẳng, đại học, trung cấp trên cả nước có Khoa Công nghệ ôtô. Thậm chí có trường gần như không có các thiết bị thực hành nhưng vẫn lập ngành đó để đào tạo. Điều đó khiến chúng tôi phải cạnh tranh trong việc tuyển sinh.

Hiện tại trong lĩnh vực cơ khí, để thu hút và đào tạo một công nhân, thợ cơ khí lành nghề rất khó. Chúng tôi được giao hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm, nhưng rất khó để tuyển đủ để đủ số lượng.

Phương pháp của trường là tăng cường tuyển sinh bằng nhiều hình thức. Chúng tôi tuyển trực tiếp bằng việc tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh từ các xã, huyện, các trường THPT. Với tuyển sinh trực tuyến thì chúng tôi đưa thông tin lên mạng xã hội, giúp các em hiểu và yêu nghề cơ khí hơn.

hoc co khi o dau anh 6

Sinh viên cùng giảng viên và ThS Nguyễn Văn Phục - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco. Ảnh: Việt Linh.

Điều thuận lợi là những năm gần đây, nhiều phụ huynh nhận ra và mong con cái họ sau khi ra trường có việc làm. Đây chính là điểm mạnh để chúng tôi thu hút sinh viên. Nếu như 8 năm trước, sinh viên của trường chủ yếu là người Quảng Nam thì hiện nay đã có sinh viên từ 27 tỉnh thành phố khác. Nhiều em coi đây là trường đào tạo bài bản về cơ khí, giúp các em tiếp cận được những công nghệ hàng đầu mà hiếm đơn vị đào tạo nào ở Việt Nam có được. Sinh viên sau khi ra trường nếu không làm việc ở nhà máy ở Chu Lai, chúng tôi có thể giới thiệu tới các showroom của Thaco trên cả nước.

"Làm sao để thấy các em được học"

- Là người gắn bó với ngành nhiều năm, theo ông, làm thế nào để khơi dậy tình yêu của các bạn trẻ với nghề kỹ thuật, đặc biệt là cơ khí. Trường đã có những phương pháp gì để các sinh viên hiểu và yêu nghề hơn?

- Điều đầu tiên, chúng tôi luôn chia sẻ thật với sinh viên về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Các em phải hiểu cơ khí hiện tại đã khác ngày xưa rất nhiều, cơ khí đã ứng dụng các công nghệ tự động hóa, không phải mất quá nhiều sức lực để làm việc. Các khâu phay, bào cơ khí thì máy móc đã làm hết thay con người.

- Để sinh viên gắn bó với nghề, sau đó là gắn bó với trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu, thì Nhà trường có những biện pháp gì để thu hút nhân tài?

- Tôi cho rằng điều đầu tiên là giải quyết những nhu cầu cơ bản như ăn, ở, chế độ lương thưởng sao cho hợp lý. Thứ hai, phải hỗ trợ những chế độ khác, nâng cao đời sống của người lao động.

Chủ tịch HĐQT Thaco đã có định hướng xây dựng những khu nhà ở dành cho công nhân để thu hút nhân lực ở xa đến với Chu Lai. Hiện tại, chúng tôi cũng đang sửa chữa các khu nhà tập thể, để cán bộ, học sinh, sinh viên ở xa có thể an tâm học tập hoặc công tác. Làm sao để thấy các em được học, được cọ xát rất nhiều với thực tiễn về cơ khí, công nghệ ôtô.

Trần Nguyễn

Ảnh: Việt Linh

Bạn có thể quan tâm