Ngày 18/1, một lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái xác nhận ông Phạm Sỹ Quý, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, từng dính ồn ào dư luận với việc kê khai tài sản, xây dựng khu biệt phủ ở TP Yên Bái - đã chuyển công tác về một cơ quan tại Hà Nội kể từ ngày 1/1/2019.
Nguồn tin cho hay một đơn vị trực thuộc tổ chức xã hội ở Hà Nội có văn bản gửi tỉnh Yên Bái về việc tiếp nhận ông Phạm Sỹ Quý về làm việc. Đồng thời, ông Quý cũng có đơn xin chuyển công tác về cơ quan này.
"Từ ngày 1/1/2019, tỉnh Yên Bái hoàn tất mọi thủ tục theo đúng quy định về công tác cán bộ và ông Quý chuyển công tác xuống Hà Nội", vị này cho hay.
Liên quan đến ông Quý, cuối tháng 10/2017, Thanh tra Chính phủ công khai kết luận thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan đến khu đất tại Tổ 42, Tổ 52, phường Tân Minh (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).
Ông Phạm Sỹ Quý (áo trắng ở giữa) tại buổi công bố kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: N.Hưởng. |
Theo đó, trên hồ sơ tài liệu thu thập được qua thanh tra và báo cáo giải trình của ông Phạm Sỹ Quý, khi đó là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, cho thấy năm 2014, ông Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng.
Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện gia đình ông Phạm Sỹ Quý ký 4 hợp đồng tín dụng, vay tiền của ngân hàng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định ông Phạm Sỹ Quý là đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản nhưng đã kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực, vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ, gây nghi ngờ về tài sản của gia đình ông, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy nhà nước.
Từ ngày 18/8/2016 đến 10/2/2017, bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý) thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho 14 hộ gia đình (đã ký thoả thuận và góp tiền) trong tổng số đất đã được UBND TP Yên Bái cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở.
Trong thời gian này, ông Quý là phó giám đốc được giao phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái (ngày 9/9/2016) nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ ông Quý liên quan phạm vi, lĩnh vực ông Quý quản lý trực tiếp.
"Theo quy định, ông Quý vi phạm khoản 4 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng: Ông Quý không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp", kết luận nêu rõ.
Trong báo cáo gửi các cơ quan Trung ương, báo chí thông tin bước đầu về kết quả xử lý kỷ luật cán bộ sau kết luận thanh tra vào cuối tháng 10/2017, UBND tỉnh Yên Bái cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quyết định áp dụng hình thức kỷ luật về Đảng là "cảnh cáo" và cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đối với ông Phạm Sỹ Quý.
Biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái. Ảnh: M.Chiến. |
Về chính quyền, Yên Bái quyết định kỷ luật ông Phạm Sỹ Quý bằng hình thức "cảnh cáo", cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; điều động giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái.
Ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch UBND Thành phố Yên Bái, cũng bị áp dụng hình thức kỷ luật "khiển trách"; về chính quyền, áp dụng hình thức kỷ luật "khiển trách". Ông Nguyễn Yên Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái cũng bị kỷ luật "khiển trách" về Đảng và về chính quyền.
Chiều 4/1/2019, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương, làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái để kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng.
Theo Phó Thủ tướng, đây là hoạt động thường xuyên của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương đối với địa bàn được giao quản lý, chỉ đạo. Thông qua chương trình kiểm tra lần này, Phó thủ tướng mong rằng sẽ cùng với tỉnh Yên Bái rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng.
Qua đó, việc này giúp cho địa phương phát huy tốt những ưu điểm, đồng thời phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và làm rõ nguyên nhân để từ đó có những biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.