Ông Phạm Nhật Vượng khẳng định VinFast chính là tương lai của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: VIC. |
Sáng 25/4, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 với kế hoạch doanh thu cả năm dự kiến đạt 200.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và gần 120% so với năm 2023.
Đáng chú ý, tại phiên họp lần này, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ liên quan hoạt động của VinFast, đồng thời tái khẳng định mục tiêu xây dựng thương hiệu xe điện của Việt Nam mang tầm quốc tế.
Không buông VinFast
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ lại lý do đầu tư xây dựng thương hiệu VinFast là vì trách nhiệm với xã hội, đóng góp cho Việt Nam một thương hiệu mang tầm quốc tế. Trong đó, việc xây dựng VinFast không chỉ nhằm mục đích bán được xe mà còn mong muốn Việt Nam có một thương hiệu bước lên top đầu về thị trường ôtô quốc tế.
Chủ tịch Vingroup cũng thừa nhận để đầu tư và xây dựng VinFast đạt mục tiêu này không phải điều dễ dàng, vì vậy tập đoàn và cá nhân ông sẽ dành nhiều nguồn lực cho VinFast.
“Không có chuyện Vingroup buông bỏ VinFast vì đây không còn là câu chuyện kinh doanh mà là tương lai, danh dự, sứ mệnh của Vingroup. Tôi sẽ không buông VinFast", ông Vượng khẳng định và cho biết thời gian tới cá nhân ông sẽ tiếp tục thu xếp tài sản để tài trợ cho VinFast tối thiểu 1 tỷ USD.
Tôi sẽ không buông VinFast
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup
Vị tỷ phú USD cũng cho biết để xây dựng thương hiệu VinFast mang tầm quốc tế không chỉ dựa vào nỗ lực của Vingroup hay cá nhân nào mà cần sự chung tay của mọi người dân Việt Nam.
“Các cổ đông, người dân Việt Nam cũng cần chung tay để phát triển thương hiệu Việt, không chỉ là thương hiệu thông thường mà phải dẫn đầu thế giới. Điều này không chỉ mang lại niềm tự hào cho Việt Nam mà còn là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác", ông Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Ông cho biết nếu chiếu theo quy định hiện hành, VinFast đã là nhà sản xuất ôtô có tỷ lệ nội địa hóa lên tới gần 80%, thậm chí nếu tính chi tiết về linh kiện, tỷ lệ nội địa hóa của công ty cũng là trên 50%. Đây là tỷ lệ rất cao với một nhà sản xuất ôtô và sẽ là nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
VinFast hiện có chiến lược rõ ràng trong sản xuất ôtô là “cái gì doanh nghiệp nội địa khác làm được thì sẽ cho họ làm để tập trung làm những công nghệ lõi mà người khác không làm được".
Về dài hạn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết xe điện là xu hướng không thể tránh khỏi. Trong đó, VinFast lại có lợi thế phát triển kinh doanh theo hướng cho thuê pin, nên giá xe điện của hãng rất cạnh tranh so với xe xăng.
“Hiện nay xe không pin của VinFast bán ra còn rẻ hơn xe xăng cùng loại trong khi chất lượng tốt hơn, khỏe hơn, an toàn hơn. Chi phí thuê pin và sạc điện cũng rẻ hơn, có loại rẻ hơn 40-50% so với xe xăng", ông Vượng nói và cho biết xe điện của VinFast tại một số thị trường như Việt Nam, Indonesia đang cạnh tranh trực tiếp với xe xăng.
“Với những ưu thế đó, không có lý do gì xe điện không đánh chết xe xăng", ông nhấn mạnh.
VinFast sẽ hòa vốn EBITDA từ 2026
Chia sẻ thêm, vị Chủ tịch Vingroup còn cho biết việc phát triển xe điện cũng góp phần vào việc bảo vệ môi trường chung hiện nay.
Dẫn ví dụ chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) từng đau đầu vì ô nhiễm môi trường, tuy nhiên việc phát triển các phương tiện chạy điện đã giúp thành phố này cải thiện tình hình.
“Xe điện là xu thế và là lợi ích để bảo vệ môi trường", ông nhấn mạnh.
VinFast dự kiến đạt điểm hòa vốn EBITDA từ năm 2026. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Ngoài ra, lãnh đạo Vingroup cho biết thực tế VinFast đang mạnh lên mỗi ngày, bởi tập đoàn liên tục có các sáng kiến mới để tiết kiệm chi phí hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn. Cá nhân ông sẽ chi thêm khoảng 10.000 tỷ đồng nữa để xây dựng số lượng trạm sạc điện gấp 3 lần hiện tại.
“Tương lai của Vingroup chính là VinFast và chúng ta đang đi đúng hướng, cần nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu đó", Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh.
Về tình hình kinh doanh của công ty xe điện này, ông Vượng cho biết thực tế, các chi phí lớn nhất để phát triển xe điện đã được chi ra, hiện tại là câu chuyện tập trung khai thác giá trị, lợi ích từ chi phí đầu tư phát triển đó.
Theo kế hoạch, đến năm 2026, VinFast có thể đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước chi phí, khấu hao và lãi vay) và từng bước có lãi.
Thực tế, hiện nay VinFast đã có lãi ở một số thị trường dựa trên nền tảng 3 không (không khấu hao, không lợi nhuận, không chi phí tài chính). Theo đó, công ty hiện không tính các chi phí này vào giá bán xe để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, dần dần các chi phí khấu hao, chi phí tài chính sẽ được tính vào giá xe mà vẫn đảm bảo điểm hòa vốn và có lãi.
“Từ năm 2026, VinFast sẽ có dòng tiền dương", ông Vượng khẳng định.
Chia sẻ thêm về kế hoạch niêm yết Vinpearl, Chủ tịch Vingroup cho biết hiện tập đoàn đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến đến cuối năm nay có thể niêm yết công ty này.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.