Phát biểu tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10, nhiều đại biểu nhắc tới vấn đề thay đổi về con người và bộ máy.
Chia sẻ với ý kiến này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng cho rằng tổ chức bộ máy luôn là vấn đề rất nhạy cảm, khó khăn.
Giảm chi thường xuyên để lo đầu tư phát triển
Với quy luật tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì bộ máy tổ chức thay đổi, cơ cấu cán bộ cũng phải thay đổi theo để đáp ứng tình hình, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh “ta không có gì phải sốt ruột vì mọi sự thay đổi”.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong vấn đề tổ chức bộ máy, ông Chính nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết Trung ương là xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
“Ta không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay. Năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách. Nếu giảm được chi tiêu thường xuyên sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển”, ông Chính nói.
Với 1 triệu tỷ từ tổng chi thường xuyên của ngân sách (trong đó có chi cho bộ máy), Trưởng ban Tổ chức Trung ương tính toán chỉ cần giảm 1% thôi, chúng ta cũng có thêm 10.000 để chi cho đầu tư phát triển. Theo ông, việc này là hiệu quả và rất cần thiết trong điều kiện ngân sách của ta còn hạn hẹp.
Song, ông Chính lưu ý, tinh giản bộ máy phải cân bằng với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, việc chức cho phù hợp. Đi kèm với đó là khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm và miêu tả khung năng lực.
“Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng thì cương quyết phải làm. Những gì chưa có trong quy định nhưng nảy sinh trong thực tiễn thì ta mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, từng bước mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”, ông Chính nhấn mạnh.
Theo quan điểm của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, không nhất thiết cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau. Vì từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của các cơ quan, địa phương là khác nhau.
Giải pháp được đưa ra là phải rà soát kỹ lại thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị công tác, mỗi địa phương với tinh thần “một việc chỉ giao một cơ quan, một người đảm nhận và một người, một cơ quan có thể đảm nhận nhiều việc”.
Đồng thời, cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được và làm tốt hơn thì nên giao cho doanh nghiệp, xã hội làm. Nhưng ông Chính lưu ý, Nhà nước phải nắm quyền chi phối khi cần thiết nếu có liên quan an ninh quốc phòng.
Người tài hết tuổi làm quản lý có thể ứng cử làm đại biểu chuyên trách
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh quan điểm tinh giản bộ máy, tăng cường phân cấp phân quyền, ủy quyền phải đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Nhắc đến vấn đề cải cách hành chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng phải vào thực tiễn mới biết để cải cách, còn nếu ngồi một chỗ sẽ không nghĩ hết được, có nghiên cứu kỹ đến mấy cũng không thể phủ hết các góc cạnh của cuộc sống.
“Tôi thấy cái này thấm thía lắm. Tối hôm nay ngồi làm thấy rất hay nhưng sáng hôm sau nghĩ lại thấy mâu thuẫn thực tiễn nên phải ngồi sửa”, ông Chính chia sẻ và nói chúng ta cứ làm, chấp nhận một phương án rồi trong quá trình thực hiện ta sửa nếu phát hiện ra bất cập.
Ông cũng nhắc đến vấn đề phải bàn nhiều là nâng cao phẩm chất, uy tín, trình độ, năng lực, của cán bộ. Vì muốn có hiệu lực, hiệu quả, có năng suất cao thì bản thân cán bộ công chức, viên chức, và các đại biểu Quốc hội phải làm sao năng cao năng lực, phẩm chất để được người dân yêu quý hơn.
Góp ý cụ thể ở góc độ Quốc hội, ông Chính nhất trí quan điểm cần tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, ít nhất đảm bảo tỷ lệ 35%.
Hướng đi được ông Chính đề xuất là với các đại biểu sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở Quốc hội mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để các họ có thể ứng cử tham gia làm đại biểu chuyên trách.