Ngày 28/8, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự hội thảo có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Nói phải đi đôi với làm
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là dịp để chúng ta nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc mà Bác Hồ để lại.
Đồng thời, đây cũng là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại những việc đã làm được, những hạn chế, khuyết điểm phải khắc phục, sửa chữa qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác.
Ông Chính nhắc lại trong Di chúc, Bác đề cập “trước hết nói về Đảng” và căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Qua 50 năm, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá Đảng ta đã đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ này và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, then chốt.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo đó, trong các kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Liên tục trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Ông Chính nhấn mạnh kết quả đạt được là từ Ban Chấp hành Trung ương đến các chi bộ cơ sở đã có chuyển biến mạnh mẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và đảng viên được tăng lên.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị… đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, do tác động của bối cảnh tình hình thế giới và những vấn đề mới phát sinh, các cuộc đấu tranh này vẫn còn hết sức cam go, khó khăn.
Bởi vậy, theo lời Bác, mỗi cấp ủy đảng và đảng viên với thái độ thẳng thắn, xây dựng cần nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật; gương mẫu đi đầu trong hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm để có được niềm tin của nhân dân.
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng
Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ông Phạm Minh Chính đã nêu lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đây là cuộc chiến chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của Nhân dân".
Thực hiện di nguyện của Người, ông Chính cho biết từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Dù điều kiện khó khăn sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989, nông dân đã được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo lời căn dặn trong Di chúc.
Với quyết tâm xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo tâm nguyện của Người, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm phải xin viện trợ, nhập khẩu, đến nay Việt Nam đứng nhóm đầu trong số các nước xuất khẩu nông sản trên thế giới.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, dù đạt nhiều thành tựu to lớn, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nước ta vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp, kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu, năng suất lao động còn thấp, chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội còn lớn, nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc....
Những vấn đề này đòi hỏi toàn đảng, toàn dân phải cố gắng, nỗ lực lao động sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.