Lần đầu tiên tới Việt Nam sau gần 10 năm nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc với người dân.
Những điểm nổi bật
- Chuyên gia đánh gia như thế nào về những thành tựu Việt Nam và Mỹ đã đạt được trong chuyến thăm của tổng thống Obama?
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ được thể hiện rõ ràng qua chuyến thăm. Lệnh cấm vận vũ khí sát thương, rào cản cuối cùng trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng đã được gỡ bỏ. Nó không phản ánh nhu cầu mua vũ khí của Việt Nam mà cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ đã thực sự toàn diện, phù hợp tình hình khu vực và thể hiện đúng xu thế.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội, Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và Bỉ. Ảnh: Tuoitre |
Trong phát biểu với giới trẻ Việt Nam, Tổng thống Obama gửi gắm tương lai quan hệ hai nước vào thế hệ trẻ lớn lên ở 2 quốc gia. Ông cho thấy sự lạc quan, tin tưởng vào động lực, hoài bão vươn lên, năng lực làm việc cũng như tài năng của thanh niên Việt Nam hay những thanh niên gốc Việt.
Việt Nam và Mỹ có nhiều lợi thế để thúc đẩy quan hệ, bao gồm sự ủng hộ của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Ngoài ra, số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ đứng hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á, tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ tương lai của hai quốc gia.
Ngoài ra, giao lưu kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ đang lớn mạnh không ngừng. Dù quốc hội Mỹ còn đang lưỡng lự việc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ luôn bày tỏ niềm tin hiệp định này sẽ trở thành hiện thực.
- Tiến sĩ Trần Việt Thái: Chuyến công du của Tổng thống Obama góp phần duy trì đà quan hệ, vốn rất tốt đẹp sau chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015. Nó củng cố vững chắc nền tảng quan hệ dựa trên lòng tin song phương và giao lưu nhân dân.
Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao . Ảnh: Duy Hiếu |
Hợp tác Việt - Mỹ ngày càng mở rộng, góp phần đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, không chỉ phục vụ riêng lợi ích của từng quốc gia mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định thế giới. Đôi bên cũng cam kết tôn trọng khác biệt, thể chế chính trị của nhau, tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh. Đây là cam kết hướng tới tương lai.
Lảy Kiều, đọc thơ là tính toán của người Mỹ
- Chuyên gia đánh giá gì về việc người Mỹ lẩy kiều và sử dụng thơ văn Việt Nam trong các bài phát biểu trước công chúng?
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Người Mỹ biết giới trẻ Việt Nam nhìn về phía Mỹ trong vai trò nước đầu tầu về kinh tế, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thanh niên là lực lượng chưa để ý tới di sản văn hóa nên việc làm của người Mỹ thực chất nhằm vào một tầng lớp khác, những người trung và lớn tuổi, bao gồm các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Việt Nam.
Tổng thống Obama đi chùa trong chuyến công du Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Người Mỹ không chỉ nói rằng chúng tôi mang đến đất nước các bạn trình độ, năng lực hàng đầu. Cách thể hiện của người Mỹ cho thấy họ hiểu rõ cả về lịch sử và văn hóa lâu đời của Việt Nam. Nếu dùng một tính từ để nói về những gì người Mỹ đang làm, tôi sẽ dùng từ khôn ngoan.
Trải qua nhiều năm theo dõi, tôi nhận thấy nhiều nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng cách thức này, bắt đầu từ Tổng thống Bill Clinton. Người Mỹ muốn chúng ta thấy rằng, dù đất nước Việt Nam còn nghèo nhưng không vì thế mà họ phớt lờ lịch sử phát triển lâu dài của Việt Nam.
- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường: Không riêng tổng thống Obama mà cựu tổng thống Bill Clinton, Phó tổng thống Joe Biden đều đã dùng phương pháp đọc thơ hoặc lẩy Kiều trong các bài phát biểu. Nó cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các nhà lãnh đạo và đội ngũ giúp việc trong lĩnh vực tìm hiểu văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam ở 5 quốc gia, Chủ tịch của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Ảnh: Duy Hiếu |
Là người đàn ông quyền lực nhất thế giới, Tổng thống Obama có đội ngũ cố vấn hàng đầu, giúp ông chuẩn bị những bài phát biểu đi vào lòng người. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã nói những điều mà người ta chưa dám nói, chẳng hạn như đọc hai câu thơ “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời”. Đây là sự đáng quý.
Trên thực tế, văn hóa là sức mạnh mềm để giúp chinh phục trái tim người Việt Nam. Là một chính trị gia tài giỏi và lão luyện, ông Obama chắc chắn không bỏ qua điều này. Và thực tế, ông chủ Nhà Trắng đã giành được sự yêu mến của người dân Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày.
- Tiến sĩ Trần Việt Thái: Trong các chuyến công du nước ngoài, đội ngũ giúp việc luôn khuyến nghị các nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng điển tích địa phương nhằm tiếp cận công chúng. Đây là nét đẹp trong phương thức ngoại giao của người Mỹ và thực tế cho thấy họ đã thành công.