Mới đây, ông Barack Obama viết trên tài khoản cá nhân Twitter: “Tôi đã đọc một vài cuốn sách hay trong năm nay và muốn chia sẻ chúng đến mọi người. Còn bạn, bạn đã đọc gì trong mùa hè này?”.
Theo đó, danh sách các tác phẩm đã đọc của cựu tổng thống xứ cờ hoa gồm 14 đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, sách khoa học viễn tưởng, lý luận chính trị đương đại và dòng phi hư cấu.
Ông Obama trong một lần đọc sách cho thiếu nhi. Ảnh: Getty. |
Đứng đầu danh sách là tiểu thuyết Sea of Tranquility của nhà văn Canada Emily St. John Mandel. Đây là tiểu thuyết thứ sáu của Mandel, được viết trong đại dịch Covid-19.
Tác phẩm đưa người đọc vào một cuộc du hành xuyên không gian, từ đảo Vancouver năm 1912 đến một thuộc địa tối tăm trên Mặt Trăng vào 300 năm sau. Nội dung sách hướng tới chủ đề nghệ thuật, thời gian, tình yêu trên nền bối cảnh bệnh dịch.
Cuốn sách thứ hai nằm trong danh sách gợi ý của ông Obama là Why We’re Polarized của nhà bình luận chính trị Ezra Klein. Đây cũng là một trong năm cuốn sách được tỷ phú Bill Gates khuyên đọc trong mùa hè này.
Tác phẩm có sự lập luận chặt chẽ về nguyên nhân của sự chia rẽ chính trị tại Mỹ. Theo đó, sự khác biệt của mỗi cá nhân, nhóm người là lý do khiến con người đưa ra các quyết định khác nhau. Sách có nội dung chính trị, song tác giả cũng lồng ghép, gợi mở góc nhìn thú vị về tâm lý hành vi của con người.
Đứng thứ ba trong danh sách này là The Candy House của nhà văn từng đoạt giải thưởng Pulitzer Jennifer Egan. Đây là cuốn tiểu thuyết gây xúc động kể về hành trình tìm kiếm sự chân thực, quyền riêng tư và ý nghĩa trong thế giới ngày nay.
Tờ USA Today nhận xét đây có thể là “cuốn tiểu thuyết thông minh”, “sách hư cấu hay nhất nhắm vào bí mật của chúng ta theo những cách mà Internet không thể làm được”.
Cuốn Why We’re Polarized của nhà bình luận chính trị Ezra Klein. Ảnh: Gatesnotes. |
A Little Devil in America: Notes in Praise of Black Performance là cuốn sách thứ tư được Obama khuyên đọc trong dịp hè này. Trong sách, tác giả Hanif Abdurraqib mở ra góc nhìn sâu sắc, hài hước về một cuộc du hành vượt thời gian, không gian, từ Paris tới Mặt Trăng và trở lại phòng khách chật chội ở bang Ohio.
Tiếp đến là cuốn To Paradise của tiểu thuyết gia người Mỹ Hanya Yanagihara. Tác phẩm có phân đoạn thời gian kéo dài suốt ba thế kỷ, gồm ba phần lần lượt lấy bối cảnh vào các năm 1893, 1993 và 2093.
Mặc dù phần cuối của cuốn sách diễn ra trong phiên bản tương lai của thành phố New York, nơi biến đổi khí hậu và đại dịch đã tàn phá thành phố, Yanagihara đã viết phần lớn cuốn tiểu thuyết trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Nằm thứ sáu trong danh sách của ông Obama là Silverview. Ở cuốn sách này, tác giả John le Carré hướng người đọc tập trung vào thế giới bí mật đã chiếm giữ văn bản của ông trong 60 năm qua.
Thứ bảy là Black Cake - tiểu thuyết đầu tay của Charmaine Wilkerson. Tác phẩm là cuộc hành trình phi thường xuyên suốt cuộc đời của một gia đình bị thay đổi bởi những lựa chọn của mẫu hệ.
Nếu The Family Chao của Lan Samantha Chang chứa đựng sự đau lòng, hài hước và hồi hộp, kể về một gia đình người Mỹ gốc Trung Quốc đang vật lộn với cuộc sống tăm tối ở một thị trấn nhỏ; thì Velvet Was the Night của Silvia Moreno García lại mang đến sự sôi nổi về một thư ký mơ mộng của một người thi hành công vụ đơn độc và bí ẩn về người phụ nữ mất tích.
Nằm thứ mười trong danh sách các tác phẩm nên đọc của cựu tổng thống Mỹ là Mouth to Mouth của Antoine Wilson. Đây là một cuốn sách ma mị, hồi hộp và hấp dẫn, vạch trần vô số cách mà con người thường lừa dối nhau và lừa dối chính bản thân chúng ta.
Tiếp đến là The Great Experiment của Yascha Mounk, cuốn sách dành cho bất cứ ai quan tâm tới tương lai của nền dân chủ tự do ở Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Đứng thứ mười hai là The school for good mothers - tiểu thuyết của tác giả của Jessamine Chan. Trong tác phẩm đầy căng thẳng và bùng nổ này, một quyết định sai lầm đã đưa người mẹ trẻ vào chương trình cải cách của chính phủ, nơi quyền nuôi con của cô bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, tác phẩm Razorblade Tears của SA Cosby viết về một cuộc tìm kiếm để báo thù của hai người cha mang hai màu da khác nhau có con trai bị sát hại.
Nằm cuối cùng trong danh sách của ông Obama là Blood in the Garden: The Flagrant History of the 1990 New York Knicks của Chris Herring. Tác phẩm tiết lộ nhiều chi tiết về loạt phim giữa kỷ nguyên vàng của NBA.
Ông Barack Obama có thói quen đọc sách từ nhỏ và duy trì thói quen đó ngay cả khi trở thành chính khách bận rộn. Trong tập đầu cuốn hồi ký Miền đất hứa, ông viết: “Thói quen đọc là của mẹ tôi, thấm vào tôi từ bé”.
Không chỉ đọc sách, ông Obama cũng trao truyền tình yêu đọc sách tới cộng đồng. Trong các buổi nói chuyện với sinh viên, ông thường kể về việc đọc của mình, khuyến khích giới trẻ làm bạn với sách. Ông cũng chia sẻ, đưa ra danh sách những tác phẩm mà ông yêu thích trong một năm.