Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Nguyễn Quốc Kỳ: 'Hàng không đang càng bay càng lỗ'

Vietravel Airlines muốn tăng 6 lần vốn đầu tư, tăng quy mô đội tàu bay để thoát lỗ vào năm 2024.

Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho biết thị trường hàng không tuy đã phục hồi nhưng chưa đủ độ chín muồi như giai đoạn 2018-2019.

Hiện tại, các hãng đều đang "càng bay càng lỗ" và không thể thoát lỗ trong năm 2022. Qua năm 2023, triển vọng thoát lỗ cũng rất hạn chế do những biến động về giá nhiên liệu, tỷ giá và sự đứt gãy của một số thị trường mới chỉ phục hồi ở mức 20-30%.

"Hiện tại, kinh doanh hàng không sẽ là một vết lõm của các doanh nghiệp" - vị này nói.

Cũng như các hãng bay khác, Vietravel Airlines chưa thể thoát lỗ trong năm 2022. Ảnh: Chí Hùng.
lo,  duong bay,  Vietravel anh 1
lo,  duong bay,  Vietravel anh 1

Cũng như các hãng bay khác, Vietravel Airlines chưa thể thoát lỗ trong năm 2022. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Kỳ dự đoán thị trường hoàn toàn phục hồi vào năm 2025 khi các hãng có thể bay với tần suất cao hơn. Ngành hàng không chỉ có thể có lãi khi bay với tần suất bay nhiều và cao.

Vì vậy, Vietravel Airlines đã trình Chính phủ xem xét đề xuất lộ trình tăng tổng vốn đầu tư dự án hàng không từ 1.300 tỷ đồng hiện tại lên mức 7.642 tỷ đồng vào năm 2025.

Ông Kỳ cho biết đề xuất trên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của hãng, trong đó chủ yếu giúp tăng quy mô đội tàu bay.

"Đối với một hãng hàng không mới, đầu tư phát triển đội tàu bay là nhu cầu tất yếu để tồn tại và phát triển. Vì chỉ khi sở hữu đội tàu bay đủ lớn, doanh nghiệp mới có thể có lãi" - vị này nói thêm.

Theo kế hoạch, hãng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng vốn đầu tư vào Vietravel Airlines tăng lên mức 7.642 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng.

Trong đó, đến năm 2025, các chủ sở hữu của Vietravel Airlines sẽ góp thêm 700 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức mức góp vốn của chủ sở hữu lên 2.000 tỷ đồng. Vietravel Airlines cũng sẽ huy động từ các nhà đầu tư trên thị trường, cũng như tận dụng thêm các giải pháp tài chính khác nhau.

Ngoài ra, hãng này cũng dự tính trong trường hợp thị trường phục hồi thuận lợi, kinh doanh có lãi, đến năm 2030 doanh nghiệp sẽ có khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối. Đây cũng có thể là một nguồn lực để hỗ trợ hãng tăng vốn đầu tư lên 8.252 tỷ đồng vào năm 2030.

Trong ngắn hạn, kế hoạch của Vietravel Airline là hạn chế các khoản lỗ nhất có thể bằng cách kết hợp chặt chẽ với thế mạnh về du lịch của Vietravel, từng bước cân bằng hoạt động kinh doanh vào năm 2024.

Vào ngày 9/2, hãng chính thức mở đường bay TP.HCM - Bangkok sau khi mở đường bay Hà Nội - Bangkok vào tháng 12/2022. Đường bay này có ý nghĩa ở cả mảng hàng không và du lịch ở một thị trường tiềm năng mà trước đây, mỗi năm Vietravel phục vụ từ 100.000 đến 120.000 khách. Đây cũng là bước chạy đà mà hãng chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm 30/4-1/5 và cao điểm hè.

Hiện, Vietravel Airlines đang thảo luận với các đối tác để từng bước mở đường bay một cách thận trọng đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Bài liên quan

Vietravel ngắt mạch hai năm lỗ nặng

Vietravel ngắt mạch hai năm lỗ nặng

Vietravel đã ngắt được mạch hai năm lỗ nặng vì dịch Covid-19 với lãi trước thuế khoảng 121 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu về mức dương khoảng 128 tỷ đồng.

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm