Ngày 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành nghị quyết thành lập Ủy ban này.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. |
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được nhiều ví như “siêu” ủy ban khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, để xây dựng Ủy ban.
Tổ công tác có 11 thành viên do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Tổ phó thường trực là ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Được biết, trong dự thảo nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của “siêu” Ủy ban có nhiều điểm mới.
Ủy ban sẽ chủ trì, phối hợp trình Thủ tướng quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch hội đồng thành viên của doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan này cũng giúp Thủ tướng xây dựng đề án thành lập doanh nghiệp, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Đáng chú ý, chế độ tiền lương ngoài theo quy định còn có phần thu nhập bổ sung. Phần thu nhập bổ sung gắn với hiệu quả quản lý vốn Nhà nước và năng suất lao động của doanh nghiệp do cơ quan này chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu. Đề án nhấn mạnh gắn tiền lương với kết quả và hiệu quả hoạt động.
Ngoài SCIC, dự kiến “siêu” Ủy ban sẽ quản lý vốn tại 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối lâu dài.
Ông Nguyễn Hoàng Anh sinh năm 1963, tại xã Trường Thọ, huyện An Lão, Thành phố Hải Phòng, có trình độ Thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Cử nhân lý luận chính trị.
Từ năm 2002, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ban chấp hành Thành ủy thành phố Hải Phòng khóa XII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa XI, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu Hải Phòng.
Từ 2003 – 2005, ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ban chấp hành Thành ủy thành phố Hải Phòng khóa XII, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng khóa XI.
Số vốn mà "siêu" Ủy ban dự kiến quản lý lên tới 5 triệu tỷ đồng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Năm 2006 – 2007, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên chuyên trách Ủy ban các vấn đề xã hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng khóa XI; Đại biểu Quốc hội khóa XII (2007 -2010), Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội.
Từ 2010 – 2011, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu Quốc hội khóa XII, Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh là Đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng.
Ngày 24/3/2015, ông Nguyễn Hoàng Anh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng nhiệm kì 2010-2015.
Ngày 26/12/2017, ông Nguyễn Hoàng Anh được phân công thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020 để nhận nhiệm vụ mới.