Kết luận cuộc họp chiều 29/7 của Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều biến thể của virus này.
Trước đây, trong vòng 4-5 tháng thế giới có 6-7 triệu người nhiễm, nhưng nay 1 tuần đã có 1,8 triệu ca nhiễm.
Hà Nội có 2 ca nhiễm và hàng trăm F1, F2
Về tình hình ở Hà Nội, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết sau 2 ngày rà soát sơ bộ đã có 21.063 người đã đi du lịch từ Đà Nẵng về.
Trên cơ sở thông tin của Ban chỉ đạo quốc gia về ca bệnh ở Mễ Trì (bệnh nhân 23 tuổi, nhân viên nhà bếp của quán pizza 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy), ông Chung cho biết chỉ sau 8 tiếng đã xác minh được 83 F1, hơn 300 trường hợp F2.
Ngoài ra, chiều cùng ngày thành phố có thêm thông tin về một ca nghi nhiễm 76 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, đang tiến hành xác minh F1 và F2.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị tạm dừng hoạt động lễ hội, quán bar theo đúng kết luận của Thủ tướng. Ảnh: Việt Linh. |
“Chúng ta không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng. Dù trong 24 tiếng phát hiện 2 ca, cả 2 ca đều đi từ vùng dịch Đà Nẵng ra. Còn toàn thành phố 105 ngày qua chưa có ca nhiễm tại cộng đồng, các trường hợp nhập cảnh cũng được quản lý chặt chẽ”, ông Chung nói.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy trong số hơn 21.000 người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội có 87 trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, hiện đã xét nghiệm 6 người, đều cho kết quả âm tính.
Nhận định Hà Nội cũng như một số địa phương khác đều là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu thành phố phải khởi động lại toàn bộ hoạt động của các ban chỉ đạo từ tổ dân phố đến phường, xã, sở ban ngành, với tinh thần phải hoạt động như trong thời kỳ có dịch, trực 24/7 để ứng phó với thông tin về dịch bệnh.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu các lực lượng của thành phố phải lấy mẫu, xét nghiệm nhanh cho tất cả hơn 21.000 người đi từ Đà Nẵng về trong 3 ngày, từ nay đến hết 1/8 phải xong. Nếu test nhanh có dương tính thì tiếp tục xét nghiệm lại, còn không sẽ cho theo dõi tại nhà.
Với tất cả trường hợp F1 phải lấy mẫu và cách ly ngay lập tức. F2 cách ly tại nhà nhưng có biểu hiện hoặc có nhu cầu phải cho lấy mẫu xét nghiệm.
“Nếu 14 ngày nữa, tức là đến 12/8 không có ca nhiễm nào thì lúc đó chúng ta tương đối yên tâm. Vì vậy, từ nay đến 12/8 sẽ là thời gian cao điểm”, ông Chung nói.
Đề cập đến việc tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán bar… trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị tạm dừng hoạt động theo đúng kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây.
Tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế
Về công tác chuẩn bị, ông Chung nhấn mạnh kiểm tra, rà soát lại toàn bộ vật tư tiêu hao. Ông đề nghị CDC tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế lấy mẫu, làm xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo đủ nhân lực nếu dịch diễn biến phức tạp.
Chủ tịch Hà Nội lưu ý trên 50% ca nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện thông qua xét nghiệm PCR, vì vậy, ngành y tế đẩy mạnh việc xét nghiệm. Ảnh: N. Khánh. |
Đối với quy trình tiếp nhận, xử lý các ca nghi nhiễm, ông yêu cầu lực lượng y tế phải có đồ bảo hộ đạt chuẩn, tránh lây nhiễm cho nhân viên y tế.
CDC Hà Nội cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mua sắm và chuyển ngay test nhanh về cho các đơn vị thực hiện test nhanh trên diện rộng, sàng lọc các ca nghi nhiễm. Bên cạnh đó, Sở Y tế rà soát, liên hệ các cơ sở y tế trên địa bàn để phối hợp xét nghiệm Covid-19 cho người dân trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp.
Ông Chung lưu ý trên 50% ca nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chỉ phát hiện thông qua xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm sàng lọc. Vì vậy, ông yêu cầu ngành y tế đẩy mạnh việc xét nghiệm trong thời gian tới, đảm bảo đúng quy trình tiếp nhận, xử lý.
“Như hiện nay ở các nước, xét nghiệm càng nhiều thì phát hiện càng nhiều, vì vậy không được chủ quan, lơ là. Phát hiện nhanh chóng, cách ly kịp thời”, ông Chung quán triệt.
Tối 29/7, Bộ Y tế thông báo Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Như vậy, tổng số bệnh nhân là 450 người.
Các bệnh nhân mới được phát hiện tại Hà Nội (BN447), Đắk Lắk (BN448) và TP.HCM (BN449, 450). Những người này đều từng đến hoặc cư trú tại Đà Nẵng trước khi được xác định dương tính với SARS-CoV-2.
Sau 99 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nhân số 268 ở Hà Giang, Việt Nam đã ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đó là bệnh nhân 416 được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hôm 25/7 tại Đà Nẵng. Sau đó, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được phát hiện ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Ngày 28/7, Đà Nẵng trở lại trạng thái giãn cách xã hội, các hoạt động không thiết yếu bị tạm ngừng.