Công Phượng và các cầu thủ Olympic Việt Nam đã bước vào những ngày tập đầu tiên dưới sự hướng dẫn của HLV Miura.
Phong cách chuyên nghiệp của HLV người Nhật Bản được nhiều người hâm mộ thấy yên tâm khi ông dìu dắt các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những bài tập hiện tại của ông Miura có phần gây khó khăn cho các tuyển thủ, đặc biệt là HAGL vốn quen với những bài tập nhẹ nhàng của thầy Grachen.
Việc các cầu thủ liên tục chấn thương, vấp ngã, mệt nhoài trên sân phần nào thể hiện những trở ngại mà họ gặp phải để làm quen với phương pháp mới. Nhiều fan bóng đá đã lên tiếng với hi vọng thầy Miura tiết chế hơn cách luyện tập để giảm bớt đau đớn cho các cầu thủ.
Văn Toàn phờ phạc trên sân tập. |
Thời gian còn lại trước khi bước vào thi đấu là 2 tháng, vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc luyện tập nặng là quá sức với các cầu thủ. Bạn đọc Trần Việt Phương ví von, thể trạng người Việt không cho phép rèn luyện trở thành Hecquyn chỉ trong vòng 2, 3 tháng được. Theo Việt Phương, ông Miura đang làm công việc mà đáng lẽ thuộc về các lò đào tạo trẻ, của các HLV thể lực khi các em còn là các học viên nhí trong lò đào tạo từ nhiều năm về trước. Việc huấn luyện gấp gáp và mạnh mẽ như vậy giống như một anh chàng chuẩn bị thi đại học điên cuồng luyện thi trong vòng vài tháng cuối mà không hề có một nền tảng kiến thức vững chắc trong nhiều năm học phổ thông trước đó.
“Đúng với câu mất bò mới lo làm chuồng, Quyến Béo, Hồng Sơn, Văn Sĩ Hùng xưa kia không phải lực sĩ nhưng họ đá bằng cái đầu, bằng cái chân thanh thoát. Giờ những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hiện nay bị coi là những cầu thủ thể lực kém, vậy thì nhồi thể lực cho họ làm gì? Nhồi thể lực giúp họ một bước hóa rồng hay cả đời làm hại họ với những chấn thương – điều tối kỵ ở các đội tuyển mạnh khác trên thế giới trước khi vào giải lớn quan trọng?”
Độc giả Việt Phương mong ông Miura xem xét lại các huấn luyện của mình. Đó là để việc nhồi thể lực lại cho các lò đào tạo và tập trung giúp các cầu thủ Việt Nam có tinh thần chiến đấu quả cảm Samurai, có sự phối hợp tinh tế, nhuần nhuyễn, tư duy chiến thuật tốt trong vài tháng ngắn ngủi.
Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt các cầu thủ trẻ, khá khó khăn cho họ để thích nghi với những bài tập cường độ mạnh. |
Bày tỏ lo ngại cho phương pháp tập luyện của ông Miura, bạn Trần Văn Tiến chia sẻ, ở nước ngoài có HLV thể lực riêng, còn HLV chủ yếu thiên về tư duy chiến thuật cho đội bóng. Hơn nữa, việc nhồi thể lực trong giai đoạn nước rút không phải phương pháp mới và chưa thực sự hiệu quả.
“Ông Miura có nhiều bài tập nặng và lạ không biết có phù hợp với các cầu thủ không, khả năng của các cầu thủ khó mà tiến bộ vượt bậc trong vài tháng. Cái quan trọng nhất chính là chọn ra những giải pháp với những lối chơi mạnh nhất để trong từng trận đấu, đội bóng có cách sắp xếp kịp thời và hợp lý”, anh Tien góp ý.
Đồng tình, fan bóng Phuong Nguyen chia sẻ, nếu như ở cấp đội trẻ và câu lạc bộ quan tâm đến thể lực của các cầu thủ thì khi lên tuyển không phải gặp bão chấn thương kiểu này. Theo Phuong, giáo án của các nền bóng đá phát triển đều từ câu lạc bộ là chính, khi lên tuyển chỉ còn lo việc tập chiến thuật.
Bên cạnh đó, nhiều fan bóng đá cho rằng các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chơi tốt ở U19 là vì họ được đặt vào môi trường quen thuộc với cùng một người thầy trong nhiều năm. Vì vậy, hơn hết ông Miura nên giảm bớt những bài tập nặng và có biện pháp giúp các cầu thủ trẻ thích nghi, hòa nhập và xóa nhòa khoảng cách với các cầu thủ khác với tinh thần đồng đội cao nhất mới có thể mang lại sự kết hợp tuyệt vời