Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 1/12. Ảnh: Reuters. |
“Một liên minh không phải là thứ mà ta nên phụ thuộc vào. Đó là thứ mà ta nên chọn, thứ mà ta làm việc cùng”, Wall Street Journal dẫn lời ông Macron. “Chúng ta phải suy nghĩ lại về quyền tự chủ chiến lược của mình”.
“Châu Âu cần giành quyền tự chủ nhiều hơn về công nghệ và năng lực quốc phòng, kể cả từ Mỹ”, ông Macron nói.
Phát biểu với 3 phóng viên khi trở về Paris từ hội nghị thượng đỉnh ở Amman, Jordan, ông Macron nhấn mạnh ông không coi việc thúc đẩy phát triển quốc phòng châu Âu là sự thay thế cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Macron nói rằng một châu Âu mạnh hơn sẽ cho phép lục địa này trở nên tự chủ hơn trong liên minh, hành động “bên trong NATO, với NATO nhưng cũng không phụ thuộc vào NATO”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố mới được đưa ra trong bối cảnh Wall Street Journal nhận định ông Macron đang đi thăng bằng trên lằn ranh mỏng.
Trước đó, Ukraine và các nước Baltic chỉ trích Tổng thống Pháp Macron sau khi ông cho rằng cần đảm bảo an ninh cho Nga nếu Moscow ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt và ngăn xung đột lan rộng, Reuters đưa tin.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã đoàn kết phần lớn đồng minh phương Tây. Mỹ và châu Âu đã gửi lực lượng tới sườn phía Đông của liên minh NATO để củng cố hệ thống phòng thủ, đồng thời cung cấp cho Ukraine một loạt pháo hạng nặng và các loại vũ khí khác.
Tuy nhiên, Mỹ, Pháp và Đức đang chịu áp lực phải sản xuất vũ khí mới sau khi kho vũ khí của họ cạn kiệt.
Ông Macron đã tới Washington vào cuối tháng 11 để đàm phán với ông Biden. Sau cuộc gặp, ông nói với truyền hình Pháp rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “kiến trúc an ninh mà chúng tôi muốn sống trong ngày mai”.
"Đây sẽ là một trong các chủ đề hướng tới hòa bình, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị cách bảo vệ đồng minh và nước thành viên, cũng như cách đảm bảo an ninh cho Nga khi Moscow trở lại bàn đàm phán", ông nói thêm.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.