Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) là thủ tướng đầu tiên, người có công rất lớn trong việc xây dựng nhà nước Singapore độc lập. Ông đã kể lại quá trình học tiếng Hoa cam go của mình trong cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu - Câu chuyện Singapore mới ra mắt độc giả Việt Nam gần đây.
Hồi ký Lý Quang Diệu - Câu chuyện Singapore - sách nhất định phải đọc cho những ai quan tâm đến một người châu Á thành công như thế nào. |
Dù sinh trưởng trong một gia đình gốc Khách Gia (Hakka), nhưng từ nhỏ, Lý Quang Diệu đã theo học chương trình tiếng Anh của Học viện Raffles. Ông học Luật tại Đại học Fitzwilliam, thuộc Đại học Cambridge tại Anh. Sau khi về nước và tham gia hoạt động chính trị, ông quyết định học tiếng Hoa, vì 75% dân số Singapore khi đó là người gốc Hoa.
Năm 1952, Lý Quang Diệu đã cảm thấy phiền vì khả năng dùng tiếng Hoa của ông khá tệ. Ông xấu hổ vì không có khả năng giao tiếp với cộng đồng người Hoa tại Singapore bằng thứ tiếng lẽ ra là tiếng mẹ đẻ của mình.
Lúc này, ông bắt đầu cố gắng học tiếng Quan thoại. Ông tìm một thầy giáo, mua một máy thu băng nhỏ và học cùng Hon Sui Sen (Hàn Thụy Sinh), bấy giờ làm ủy viên địa chính, học cùng tại căn nhà trong cư xá chính phủ của Hon trên đường Cantonment. Tuy nhiên ông tiến bộ rất chậm vì có quá ít thời gian và tệ hơn, chẳng có mấy cơ hội để thực hành.
Đến năm 1954, sau khi gia nhập đảng Nhân dân hành động (PAP), ông trở thành ứng cử viên cho cuộc bầu cử tại khu Tanjong Pagar. Đối thủ Lam Tian, người Hán học thuộc Đảng Dân chủ đã công kích Lý không biết đọc, biết viết tiếng Hoa, cho nên không có khả năng đại diện cho cử tri người Hoa.
Đáp lại, Lý Quang Diệu đã "mạnh miệng tuyên bố rằng mình có thể đọc, viết và nói tiếng Quan thoại, Khách Gia và Phúc Kiến", và ông thừa nhận "đó là một đòn liều", vì khi đó, ông chỉ còn có thể viết được vài chữ, còn nói thì "đã quên gần hết, tiếng Khách Gia và Phúc Kiến của tôi thì thật tội nghiệp, thậm chí chẳng đáng kể".
Lam Tian thách Lý tranh luận trong một buổi gặp ngoài trời tại một khu vực nói tiếng Quảng Đông, Lý từ chối. Tuy nhiên ông đã cố gắng để nói được vài câu bằng tiếng Quan thoại trong cuộc họp với cửtri lớn nhất tại một khu vực dân cư gốc Quảng Đông. Ông đã nhờ một phóng viên của tờ Tân Báo soạn giúp hai đoạn văn và bỏ ra vài tiếng để luyện cho ông đọc bài diễn văn chỉ tốn 3 phút này. Vì vậy, Lý đã được đám đông ủng hộ và hoan hô vì nỗ lực đó.
Đến cuộc bầu cử năm 1959, Lý đánh giá: tiếng Quan thoại của tôi đã cải thiện, tuy rằng vẫn chưa đủ để hùng biện bay bổng, nhưng đã có thể diễn tả tư tưởng của mình mà không cần đến văn bản viết sẵn. Ông đã được khối dân chúng nói tiếng Hoa coi trọng hơn vì đã chịu khó học ngôn ngữ của họ.
Cuộc bầu cử này là thắng lợi vang dội của PAP, họ giành 43 trong số 41 ghế của Hội đồng lập pháp, và Lý trở thành thủ tướng đầu tiên của chính phủ Singapore tự trị.
Đến cuộc bầu cử năm 1961, vì vấn đề nội bộ, đảng PAP loại bỏ chính trị gia Ong Eng Guan, do đó họ mất đi một diễn giả tiếng Phúc Kiến giỏi nhất, trong khi phải đối mặt với đối thủ dày dạn kinh nghiệm là Lim Ching Siong. Các đồng sự của Lý đề nghị chính Lý sẽ phải trám vào vị trí đó.
Vì vậy, Lý Quang Diệu bắt đầu bắt tay vào học phương ngữ này, tranh thủ một giờ trong bữa ăn trưa hoặc chiều tối, với từ ba đến năm lần mỗi tuần.
Ông có hai thầy giáo giỏi, đều là nhân viên của đài truyền thanh. Người thứ nhất dạy ông toàn bộ hệ phiên âm La tinh mới để ông nắm được cách phát âm chữ Hán theo giọng Phúc Kiến.
Theo ông, học tiếng Phúc Kiến rất khó vì thứ tiếng này có tới bảy thanh điệu, thay vì bốn thanh điệu như tiếng Quan thoại, và dùng những kết hợp từ khác nhau để làm thành động từ, danh từ và tính từ. Do đã học tiếng Hoa, Lý có thể đi thẳng từ tiếng Quan thoại vào tiếng Phúc Kiến mà không phải bắt đầu từ đầu. Ông ví von "cũng như xuất phát từ tầng hai hay ba của một tòa nhà 25 tầng vậy".
Lý Quang Diệu - người cha lập quốc của Singapore. |
Lần đầu tiên Lý phát biểu bằng tiếng Phúc Kiến tại Hong Lim, trẻ em trong đám công chúng đã cười rộ vì những cái sai của ông. Nhưng đến cuối chiến dịch, Lý đã nói được tiếng Phúc Kiến đủ để cho người ta hiểu.
Dù đã ngoài ba mươi, lại ngập với công việc của chính phủ, nhưng Lý vẫn miệt mài ôn luyện hàng ngày. Có khi, trên đường đến chỗ phát biểu, thì thầy giáo ngồi ngay cạnh ông trên xe để sửa những chỗ sai của ông.
Bằng sự thực hành tại chỗ và lặp đi lặp lại suốt mấy tháng liền, nói mà không cần có ghi chép, mắc lỗi và sửa đi sửa lại, cuối cùng ông đã nói sõi tiếng Phúc Kiến, và có thể phát biểu cả nửa giờ đồng hồ mà không phải mò mẫm chữ nghĩa và câu cú. Công chúng nhận thấy điều này và dành sự thán phục cho Lý.
Ông nhận định: "Tôi có thể chẳng biết dùng thành ngữ, thậm chí không đúng ngữ pháp, nhưng lời nói không hề sai chệch ý nghĩa, và được nói ra với sự hùng hồn, đầy cảm xúc và đầy tin tưởng, khi biện luận, ca tụng, cảnh cáo, cuối cùng đã lôi kéo được một số người đi theo mình".
Nhiều cử tri gốc Hoa cho rằng Lý là người gốc Khách Gia, là nhóm người có năng khiếu học ngoại ngữ, nên học phương ngữ mới là điều dễ dàng. Nhưng Lý Quang Diệu kể lại: "Chỉ có Choo (vợ ông) mới biết tôi đã chật vật thế nào để nắm được tiếng Phúc Kiến".
Năm 1961, khi trong nội bộ Singapore gặp phải sự phân rã rất lớn trong quyết định sáp nhập với Malaysia, suốt một tháng liền, từ 18/9 đến 9/10, ông Lý đã lên sóng phát thanh ba lần mỗi tuần, mỗi lần nói bằng ba thứ tiếng: Anh, Mã Lai, Quan thoại.
Ông kể lại: "Khi nói bằng tiếng Mã Lai và Quan thoại, tôi chỉ dùng được mức độ ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Có lần, nhân viên phòng thu của Đài phát thanh đã phát hoảng khi nhìn qua cửa kính phòng thu mà không thấy Thủ tướng đâu. Rồi nhân viên nữ phát hiện tôi nằm ngửa trên sàn và cô ta nghĩ Thủ tướng đã kiệt sức. Thực ra tôi chủ ý nằm xuống để lấy sức và nạp lại năng lượng cho lần thu âm bằng thứ tiếng tiếp theo".
Nỗ lực của ông Lý và hiệu quả của 12 bài phát biểu trên sóng phát thanh của ông đã đưa Singapore sáp nhập vào Liên bang Malaysia và chấm dứt sự cai trị của người Anh. Tuy nhiên, đến năm 1965, vì những mâu thuẫn không thể hàn gắn, Malaysia đã quyết định trục xuất Singapore khỏi liên bang và ngày 9/8 năm đó, ông Lý đã tuyên bố với quốc dân và thế giới về việc Singapore chính thức trở thành một quốc gia độc lập.
Câu chuyện Singapore là tập đầu tiên trong bộ hồi ký của Lý Quang Diệu (1923-2015), người có công định danh đảo quốc sư tử trên bản đồ thế giới. Tập sách kể về lịch sử của Singapore từ lúc ông Lý lớn lên đến khi tách khỏi Malaysia năm 1965.
Không chỉ có chính trị, ông Lý còn cho độc giả hiểu về cuộc sống riêng của bản thân qua giọng văn thẳng thắn, đôi khi hài hước. Ông kể lại những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời ông, cũng như của quốc gia non trẻ mà ông lãnh đạo.
Cựu Tổng thống Mỹ George Bush (cha) đã nhận xét: "Câu chuyện Singapore là cuốn sách nhất định phải đọc đối với những ai quan tâm tới câu chuyện thành công của một người châu Á thực thụ. Cuốn sách cho chúng ta học hỏi rất nhiều về lối tư duy của một trong những nhà lãnh đạo quốc gia thực sự có tầm nhìn trong thế kỷ này.