Ông lớn tỷ đô chi bao nhiêu tiền để trả cổ tức?
Đạt doanh thu tỷ đô trong năm 2012, GAS bỏ ra tới gần 4.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, còn VNM chi tới 2.100 tỷ đồng.
Vừa gia nhập nhóm doanh nghiệp đạt doanh thu tỷ đô của sàn chứng khoán Việt, HĐQT của công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đã thông qua tăng tỷ lệ cổ tức đợt 2/2012 lên 18%. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông của VNM sẽ được nhận mức cổ tức lên tới 38% trong năm 2012. Số tiền mà VNM phải trích để chi trả cổ tức lên tới 2.100 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận sau thuế năm 2012 của ông lớn tỷ đô này.
Trong khi đó, doanh nghiệp niêm yết có mức vốn hóa cao nhất thị trường, đồng thời là quán quân doanh thu và lợi nhuận năm 2012, tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng chi trả mức cổ tức là 20% sau 2 lần tạm ứng. Với lượng cổ phiếu đang lưu hành lên tới 1,9 tỷ đơn vị, số tiền mà GAS phải bỏ ra cho các cổ đông đang sở hữu cổ phiếu lên tới 3.800 tỷ đồng.
Cổ tức là một trong những thu nhập mà nhà đầu tư cổ phiếu dài hạn chờ đợi trong một năm. |
Doanh thu cả năm đạt gần 11.000 tỷ đồng, ông lớn trong ngành ngân hàng là Vietcombank (VCB) dự kiến sẽ trả cổ tức tỷ lệ 12% cho cổ đông. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VCB lên tới 2,3 tỷ đơn vị, tương đương số tiền phải chi để trả cổ tức lên tới 2.760 tỷ đồng, bằng 50% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2012.
Cũng lãi lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng quyết định chi trả cổ tức mức 'khủng" cho cổ đông. Ngay cả 2 "ông lớn" là tập đoàn Vingroup và Hoàng Anh Gia Lai cũng lựa chọn cách trả cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2012. Trước đó, vào năm 2010, công ty cổ phần Vincom đã từng chi 2.100 tỷ đồng cho mức cổ tức khủng là 58,8%.
Trường hợp đặc biệt nhất là tập đoàn Masan (MSN) khi suốt nhiều năm qua, công ty này liên tục "nói không" với cổ tức. Từ năm 2010, dù lợi nhuận để lại của công ty liên tục vượt 2.000 tỷ đồng, thậm chí lên tới 10.400 tỷ đồng (năm 2012) nhưng Masan luôn có kế hoạch dùng phần lợi nhuận này để đầu tư vào các dự án mới, thay vì điều chỉnh chính sách trả cổ tức của mình. Tất nhiên, cổ đông lâu năm của Masan không phải chịu thiệt thòi so với những đồng nghiệp khác, bởi dù không được chia cổ tức, nhưng với thị giá ổn định và lợi nhuận cao, EPS của cổ phiếu này luôn đạt mức xấp xỉ 2.000 đồng.
Hạ Minh
Theo Infonet