Mặc dù đang đứng Top 6 trong 153 quốc gia xuất khẩu dệt may, là quốc gia xuất khẩu giày lớn thứ 3 thế giới, nhưng Việt Nam chỉ làm tốt khâu cắt may, giá trị gia tăng thấp.
Đừng mong sản xuất trong nước là hưởng lợi
So với các hiệp hội ngành nghề khác, dệt may là ngành được quan tâm đặc biệt nhất trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp hội này được tham gia ngay từ đầu và có mặt trong tất cả các phiên đàm phán của đoàn Việt Nam. Chính vì vậy mà ngay trước thời điểm TPP ký kết, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã chuẩn bị tốt phương án kinh doanh mới để sẵn sàng hội nhập.
DN nhỏ ngành dệt may, da giày đối diện nhiều sức ép cạnh tranh khi TPP sắp có hiệu lực. Ảnh: N.Ý |
Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày và túi xách Việt Nam, sẽ chỉ có những DN lớn, tập trung ở khối FDI hưởng lợi. DN nhỏ là đối tượng chịu tổn thương, bị chèn ép.
Ông Kiệt phân tích, thứ nhất là bất lợi nguồn nguyên phụ liệu. Các chuỗi lớn họ đã nhanh chân lôi kéo nhiều nhà cung ứng lớn từ các nước mạnh về nguyên liệu như Thái Lan, Hàn Quốc về Việt Nam đầu tư rồi. Và hiện họ đã kiểm soát trên 55% lượng nguyên liệu. Do đó, các DN này sẽ hưởng ngay thuế suất bằng 0 khi TPP có hiệu lực.
Bà Đặng Phương Dung, cố vấn Hiệp hội Dệt may cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước thật ra không thiếu. Ba năm gần đây, các trường đại học đã rất tập trung đào tạo nhân lực cho ngành. Các cuộc thi thiết kế cũng liên tục tổ chức, nhà thiết kế giỏi rất nhiều, nhưng DN sản xuất và đội ngũ này lại chưa gặp nhau, chưa tận dụng được.
Vấn đề nan giải của ngành này là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện 70% nguồn nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, là những nền kinh tế không phải là thành viên TPP.
“Không phải sản xuất trong nước là được hưởng lợi, cũng đừng mong vào việc được cung ứng nguyên liệu từ các DN trong nước. Bởi có những nguyên phụ liệu DN chỉ sản xuất cho riêng hàng của họ. DN mình mua họ không bán, không thể san sẻ được. Trong khi nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng chừng 40%. Đây là bài toán khó cho chính chúng ta”, ông Kiệt nói.
Vị này cũng cho rằng, rất cần có cơ chế hỗ trợ DN vừa và nhỏ thời gian đầu. Bởi DN nhỏ không chủ động được nguyên liệu, lại khó tiếp cận vốn. “Họ còn rất nhiều mối lo bị chèn ép trong cuộc chơi này, từ quản trị, nhân lực”, ông Kiệt nói thêm.
Một vấn đề đang khiến các DN ngành may, da giày đau đầu hiện nay là ưu thế nhân công giá rẻ không còn nữa. Giá nhân công đã tăng mạnh. Ông Kiệt cho biết, mức lương của lao động dệt may tại khu vực 1 hiện nay bình quân lên khoảng 6 triệu đồng một tháng, chưa kể tăng ca. DN Việt không còn lợi thế nhân công rẻ mà chỉ còn lợi thế về các ngành phụ trợ khác. Nhưng lợi thế này ngày càng dịch chuyển về phía DN nước ngoài. Để cạnh tranh chỉ còn phương án là tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, các DN trong nước chỉ tập trung gia công, sản xuất (chiếm 85%) đã làm mất đi sự chủ động trong hội nhập. Các công đoạn thiết kế, sản xuất nguyên liệu, khâu quảng bá sản phẩm đều phụ thuộc nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp. Dù hiện đã có một số DN Việt đã mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình để không tụt hậu nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn.
Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty dệt may Thành Công cho biết, hơn 90% sản phẩm của DN phục vụ cho thị trường xuất khẩu. May mắn của DN là đã sản xuất theo dây chuyền khép kín lâu nay, từ kéo sợi đến thiết kế, hoàn thành sản phẩm xuất khẩu, nên khâu chủ động sớm này đang thuận lợi cho DN khi tham gia TPP.
Bà Huệ cũng cho biết, đối tác châu Âu, Mỹ, Nhật không chỉ yêu cầu chất lượng sản phẩm tốt, mà đòi hỏi rất khắt khe khâu đầu tư nhà xưởng sản xuất xanh, sạch. "Họ đòi hỏi tỉ mỉ từ lượng hóa chất nhuộm thải ra môi trường bao nhiêu, tiêu tốn bao nhiêu nước, tiết kiệm bao nhiêu năng lượng... Do vây mà chúng tôi phải đổi mới công nghệ phù hợp với việc xây dựng một nhà máy đạt tiêu chuẩn bền vững, thân thiện môi trường.. Việc đầu tư nhiều, chi phí cũng đội lên cao, nhưng không còn cách nào khác, phải thay đổi và tăng năng suất lao động”, bà Huệ cho biết.
Ai hưởng 1,2 tỷ USD tiền giảm thuế mỗi năm?
Dệt may hiện chiếm 13, 6% tổng giá trị xuất khẩu, đứng thứ 2 sau điện tử về kim ngạch xuất khẩu ròng. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 27 tỷ USD. Mục tiêu năm 2016 là 31 tỷ USD. Với da giày, kim ngạch năm 2015 đạt 15 tỷ USD, và dự kiến mức này sẽ tăng 15-20% năm nay.
Xuất khẩu hàng dệt may, da giày của Việt Nam hiện có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo của Hiệp hội dệt may, trong 3 năm đầu sau khi TPP có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ là 17-20%, dự kiến 2020, kim ngạch xuất khẩu ở mức 50 tỷ USD.
Nếu TPP có hiệu lực, chỉ riêng các dòng thuế được cắt giảm, DN tại Việt Nam tiết kiệm được 1,2 tỷ USD mỗi năm. Điều này gây áp lực cực lớn đối với DN nội địa, bởi DN nước ngoài đã tận dụng được cơ hội xóa bỏ thuế tốt hơn DN Việt. Hiện, 77% giá trị xuất khẩu da giày trong nước là do các DN FDI đóng góp.
Theo thống kê của Hiệp hội da giày, gần 50% lượng giày thể thao của Nike được sản xuất tại Việt Nam, với thuế nhập khẩu khoảng 1,65 USD/đôi. Việc dở bỏ thuế sau khi TPP có hiệu lực sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Nike.
Cả nước hiện có 2,5 triệu lao động tham gia trực tiếp trong ngành dệt may, trong đó phần lớn là nữ. Ngành hiện có khoảng 6.000 DN, trong đó có khoảng 4.500 xưởng may, 500 xưởng dệt kim và khoảng 1.000 xưởng kéo sợi. Nhưng phần lớn phục vụ gia công, còn tỷ lệ lao động làm công việc sáng tạo quá ít. Riêng da giày hiện có khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho 600 DN, cho ra 800 triệu đôi giày mỗi năm.