Mang tính thời sự và hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách của nền kinh tế, “Hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam” (Vietnam Leadership Summit 2016) tổ chức ngày 8/4 tại TP HCM được đánh giá là sự kiện kinh tế lớn năm 2016. Chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” là nội dung tập trung của hội nghị.
Hơn 500 doanh nghiệp tham gia sẽ được giải đáp các vướng mắc, hỗ trợ tìm kiếm giải pháp cạnh tranh cho doanh nghiệp khi tham gia sân chơi TPP.
Các vấn đề được thảo luận chính tại hội nghị là đầu tư – thương mại, sở hữu trí tuệ và lao động, tương ứng với 3 chính sách nổi trội trong cam kết TPP. 5 ngành mũi nhọn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Hiệp định TPP sẽ được Hội nghị tập trung tháo gỡ là dệt may-giày da, nông thủy sản, ôtô và ngành phụ trợ, dược, công nghệ cao.
Hội nghị hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp nắm được thông tin chính xác về các thay đổi trong chính sách tại Việt Nam khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.
Các chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành là người trực tiếp tham gia quá trình đàm phán thực hiện hiệp định cũng sẽ đưa ra định hướng giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực để chuẩn hóa nền tảng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường khu vực Thái Bình Dương, tránh hệ quả suy yếu, phá sản do không được chuẩn bị trước làn sóng cạnh tranh từ thế giới.
TPP chính thức được ký kết giữa 12 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam ngày 4/2/2016.
Hiệp định đưa ra 5 tiêu chí đồng nhất giữa các quốc gia là tiếp cận thị trường toàn diện, đưa ra cam kết mang tính khu vực, giải quyết những thách thức mới, thương mại toàn diện và là nền tảng cho hội nhập khu vực. Khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.