Định vị ban đầu của Givral, Tous les Jours, Paris Baguette... thành danh với bánh ngọt, nhưng các thương hiệu này lại đang đua nhau bổ sung cà phê trong hệ thống kinh doanh. Trong khi đó, các thương hiệu thức ăn nhanh Mc Donald’s, nydc lại kinh doanh thêm cà phê. Thương hiệu chuỗi cà phê - bánh ngọt Dunkin’ Donuts có mặt tại Việt Nam góp phần làm cho mô hình kinh doanh cà phê - bánh ngọt thêm cạnh tranh gay gắt.
Bánh ngọt kèm cà phê
Mô hình cửa hàng cà phê chuỗi cạnh tranh khá gay gắt, nhất là sau khi Starbucks vào Việt Nam, khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng cà phê của Trung Nguyên, Highlands Coffee, Gloria Jean’s Coffees, The Coffee Bean & Tea Leaf... đã phải đầu tư làm mới hình ảnh, dịch vụ, thiết kế cửa hàng để thu hút kháchh hàng. Thậm chí, ngay cả Starbucks, sau một thời gian kinh doanh, cũng đang điều chỉnh để thích nghi với thị trường mới.
Tuy vậy, mô hình kinh doanh cửa hàng cà phê tại Việt Nam xem ra vẫn còn rất tiềm năng. Theo ông Andrew Nguyễn, người đem thương hiệu The Coffee Bean &Tea Leaf vào Việt Nam, thị trường của ngành này còn rất rộng, tiềm năng cũng còn rất lớn vì số đông người Việt Nam đều rất thích uống cà phê. Và thực tế một năm, The Coffee Bean &Tea Leaf vẫn đủ khả năng để mở 10 quán cà phê. Chính vì vậy, ngay cả các thương hiệu bánh ngọt cũng đang chuyển hướng đầu tư vào mô hình cà phê - bánh ngọt.
Ngay khi cửa hàng bánh đầu tiên khai trương tại góc Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, đại diện của Paris Baguette đã tuyên bố: “Mô hình bánh - cà phê là xu hướng đang được các nước ưa chuộng và tại Việt Nam, mô hình này càng phù hợp hơn”. Vì vậy, dù vẫn theo tiêu chí cửa hàng bánh Pháp, phục vụ nhanh theo kiểu mang đi nhưng mô hình hoạt động là “Paris Baguette café” dành cho người dùng bánh và cà phê.
Theo mô hình này, tất cả các cửa hàng của Paris Baguette đều đầu tư phòng lạnh, bàn ghế và không gian cho khách thưởng thức cà phê, bánh ngọt tại chỗ, có wifi như một quán cà phê thực thụ. Theo quản lý cửa hàng, lượng khách hàng đến Paris Baguette để vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt tương đương lượng khách đến mua bánh mang đi. Mô hình này khá hiệu quả nên chỉ trong một năm, Paris Baguette đã mở 3 cửa hàng tại TP.HCM.
Có mặt tại Việt Nam sớm với tiêu chí ban đầu là phục vụ bánh theo khẩu hiệu: “Mỗi ngày luôn tươi ngon, luôn ngon miệng” nhưng khi thấy xu hướng phục vụ bánh - cà phê tại chỗ đang thịnh, Tous les Jours cũng chuyển hướng mô hình kinh doanh. Hai cửa hàng mới của Tous les Jours tại đường Nguyễn Thị Minh Khai và góc Cao Thắng - Võ Văn Tần đều có tầng lầu, phục vụ khách uống cà phê, ăn bánh tại chỗ, không gian thoáng mát. Hoặc rõ nhất là Givral, sau một thời gian bị người tiêu dùng chỉ còn nhớ đến một thương hiệu bánh ngọt, gần đây cũng đã đồng loạt đầu tư chuỗi 6 cửa hàng Givral Café trên toàn quốc và dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm 4 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Ở lĩnh vực thức ăn nhanh, nydc cũng đưa cà phê vào menu phục vụ, thậm chí cách bày trí cửa hàng không khác một cửa hàng cà phê. Hoặc McDonald’s tuy đang chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên cũng tuyên bố: “Sẽ có phục vụ cà phê sau khi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s đi vào hạt động ổn định”.
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam: “Hiện nay, ngoài thức ăn nhanh, McDonald’s còn sở hữu thương hiệu McCafé với mô hình phục vụ và thực đơn không khác Starbucks. Mô hình này đang hoạt động song song trong hệ thống của McDonald’s trên thế giới và rất hiệu quả. Bởi cùng một địa điểm nhưng Mc- Donald’s vừa phục vụ được trẻ em thích thức ăn nhanh và có không gian cho phụ huynh thưởng thức cà phê”. Chính vì vậy, cửa hàng đầu tiên của McDonald’s tại TP.HCM được chọn ở vị trí khá đắt, gồm 2 tầng với diện tích 1.300m2, phục vụ hơn 350 chỗ ngồi, có chỗ đậu xe, không gian riêng biệt, thiết kế phù hợp nhu cầu giải trí và ăn uống.
Dunkin' Donuts đã chậm chân?
Mặc dù tự tin là thương hiệu nổi tiếng, có khoảng 10.800 cửa hàng trên khắp thế giới nhưng sự có mặt của thương hiệu bánh - cà phê Dunkin’ Donuts tại Việt Nam vào thời điểm này vẫn khiến nhiều người hoài nghi về khả năng thành công. Nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược kinh doanh của Dunkin’ Donuts không chú tâm vào đầu tư mặt bằng rộng rãi và bàn ghế sang trọng là không phù hợp xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam. Hơn nữa, lĩnh vực cốt lõi và cũng là khác biệt của thương hiệu này là bánh rán, nhưng người Việt lại không xem bánh rán là món ăn hằng ngày như ở Mỹ hay Canada.
Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn IPP, quản lý đơn vị nhượng quyền Dunkin’ Donuts: “Chiến lược C+1 (cà phê Arabica, cà phê đá xay Dunkaccino, cà phê sữa đá xay + bánh rán hoặc bánh kẹp thịt sandwich, bánh doughnut...) sẽ là lợi thế cạnh tranh của Dunkin’s Donuts. Hơn nữa, ở các nước Thái Lan, Philippines, thương hiệu này đã thành công rồi nên tôi tin ở Việt Nam cũng sẽ thành công. Chẳng hạn, ở Philippines, dù thị trường này cũng có mặt Starbucks và nhiều thương hiệu bánh - cà phê đang kinh doanh nhưng Dunkin’ Donuts vẫn có 900 cửa hàng”.
Theo ông Hạnh, phương thức kinh doanh của Dunkin’ Donuts không nhằm vào cạnh tranh với các thương hiệu lớn mà đi theo mảng thị trường, đi vào các sân bay, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, trường học nên không cần mặt bằng lớn, chỉ cần khoảng 20m2. Giá bán cũng cạnh tranh, một ly cà phê đá giá 29.000 đồng (không nhất thết phải mua bánh) và chương trình đang áp dụng một combo cả bánh và cà phê chỉ có 28.000 đồng.
Được biết, Dunkin’ Donuts đã được điều chỉnh theo khẩu vị của người Việt Nam: cà phê đậm đặc, sữa ngọt, bánh ăn sáng bổ sung bánh mặn, nhân cá hồi. “Mô hình này không phải cà phê thư giãn mà là cà phê cung cấp năng lượng. Đây là mô hình bánh đi kèm cà phê nhưng Dunkin’s Donut trên toàn thế giới khoảng 1,7 tỷ ly cà phê một năm. Bên cạnh đó, lợi thế của mô hình này là chi phí điều hành cũng như vốn đầu tư thấp hơn, chỉ cần 200.000 USD, khoảng 4 tỷ đồng cho một cửa hàng. Đơn cử, chi phí đầu tư một cửa hàng Phú Mỹ Hưng là 200.000 USD, cửa hàng ở Phan Xích Long là 205.000 USD”, ông Hạnh giải thích thêm.
Ông Hoàng Bảo Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng Marketing phụ trách thương hiệu Dunkin’s Donuts, cũng cho rằng: “Với khoảng 51% dân số dưới độ tuổi 39, Việt Nam có một thị trường tiềm năng với dân số khá trẻ và cà phê được xem là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của họ. Hơn nữa, theo thông tin nghiên cứu thị trường, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hương vị ngon và không phải đợi lâu, tiện lợi là 3 lý do hàng đầu mà khách hàng ưa chuộng thức ăn nhanh. Đây cũng là điểm mạnh của Dunkin’Donuts”. Vì vậy, mục tiêu của Dunkin’ Donuts Việt Nam trong năm 2014 là mở thêm từ 7-8 cửa hàng.