Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thương hiệu ngoại đình đám làm nóng thị trường Việt

Hàng loạt nhãn hàng của các ông lớn nước ngoài đã lên kế hoạch hoặc tiến vào thị trường Việt Nam trong năm qua như Mcdonald, Starbucks, Dunkin’ Donuts, Auchan.

McDonald's - sự hợp tác được chờ đợi từ lâu

Chưa chính thức vào Việt Nam, nhưng những thông tin về ông lớn thức ăn nhanh thế giới sẽ góp mặt tại thj trường nội địa đã khiến giới đầu tư ồn ào. Theo công bố của McDonald's, thương hiệu này sẽ vào Việt Nam qua đối tác nhượng quyền là ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyen), doanh nhân Việt Nam và là người sáng lập công ty Good Day Hospitality.

Nhà hàng đầu tiên của McDonald's dự kiến sẽ mở tại TP.HCM vào năm 2014, với thực đơn là các món ăn đặc trưng của thương hiệu này, như bánh sandwich Big Mac, Cheeseburger hay khoai tây chiên. Giới săn mặt bằng cũng ngay lập tức dự đoán địa điểm đặt cửa hàng đầu tiên của McDonald's tại TP HCM sẽ nằm tại ngã ba đắc địa của quận 1.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, phí nhượng quyền đắt kỷ lục sẽ trở thành rào cản lớn nhất để thương hiệu này mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Starbucks - ông lớn cà phê và những thông tin trái chiều

Ngày 1/2/2013, ông lớn cà phê Starbucks chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, sau một thời gian dài thông tin về việc thương hiệu này sẽ góp mặt tại Việt Nam, khiến giới đầu tư và các đối thủ cạnh tranh xôn xao. 10 tháng sau, Starbucks mở cửa hàng thứ 3 tại Sài Gòn, tiếp tục chiến lược tăng tốc phát triển chuỗi cửa hàng của hãng tại Việt Nam, mặc những thông tin đồn thổi về việc Starbucks đang bị khách hàng "ghẻ lạnh".

Để chứng minh cho chiến lược kinh doanh tại Việt Nam, CEO của Starbucks, Howard Schultz, khẳng định doanh thu từ cửa hiệu đầu tiên của hãng tại đây đã vượt kỳ vọng. “Môi trường mà chúng tôi tạo ra, thiết kế của cửa hiệu, trải nghiệm… tất cả tạo thành một định vị khác biệt nhiều so với bất kỳ thứ gì mà bất kỳ ai ở Việt Nam đang có hiện nay”, ông Schultz nói. Thậm chí, vị này cho rằng Starbucks không chỉ bán cà phê. Vì vậy, dù nhiều người Việt vẫn khẳng định sẽ trung thành với cà phê truyền thống, lãnh đạo Starbucks vẫn khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng việc chinh phục thị trường khó tính này.

Dunkin’ Donuts và cuộc chiến gián tiếp với Starbucks

Tối 22/11/2013, thương hiệu cà phê và bánh Mỹ Dunkin’ Donuts chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại đường Nguyễn Đức Cảnh, quận 7, TP.HCM. Giống như nhiều nhãn hiệu thức ăn nhanh khác của thế giới, khi xâm nhập và Việt Nam, Dunkin’ Donuts chọn một đơn vị nhận nhượng quyền khá tiếng tăm, là công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm & Giải khát Việt Nam (VFBS) thuộc tập đoàn Imex Pan Pacific, do ông Jonathan Hạnh Nguyễn, ông "vua hàng hiệu" làm Chủ tịch.

Thị trường đầu tiên mà thương hiệu bánh Mỹ này tiếp cận là Sài Gòn nhờ thói quen và lối sống mở của người dân, sau đó là chuyện tiến ra Bắc. Dunkin’ Donuts chọn nhóm khách hàng chính của mình là giới nhân viên văn phòng, với giá bán chỉ bằng 70% của Starbucks.

Đại gia bán lẻ Pháp vào Việt Nam

Đối thủ lớn của các thương hiệu như Wal-Mart, Lotte, Metro, Big C là Auchan, đã trở lại Việt Nam với quyết định đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tới cho các dự án mở các chuỗi cửa hàng, siêu thị bán lẻ. Theo lời ông Philippe Longuet, CEO Tập đoàn Auchan (Pháp), quyết định đầu tư lần này là sự trở lại của Auchan, sau khi từng tìm hiểu thị trường Việt Nam nhưng buộc phải bỏ ngang, vì những bất ổn liên quan đến thị trường bất động sản và chỉ số lợi nhuận thấp. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất hoan nghênh kế hoạch của Auchan và sẽ ngồi lại đàm phán để đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.

Ông lớn dầu khí Thái Lan và siêu dự án nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD

Sau rất nhiều ý kiến trái chiều, tập đoàn PTT của Thái Lan đã chính thức trở thành nhà đầu tư của dự án lọc dầu Nhơn Hội - Bình Định trị giá 27 tỷ USD. Đây được xem là một siêu dự án, tâm điểm thu hút vốn ngoại của khu vực miền Trung. Nếu đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ có quy mô 660.000 thùng một ngày (30 triệu tấn dầu thô mỗi năm, gấp gần 5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất), trở thành nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam.

T.A (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm