Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông lớn đua nhau xin ưu đãi cho...tương lai

Không khó khăn, nhưng đại gia sản xuất ô tô, khai khoáng đua nhau chạy xin ưu đãi cơ chế, chính sách thuế cho “tương lai” với số tiền hàng nghìn tỷ đồng trong bối cảnh ngân sách “co kéo” từng đồng.

Xin ưu đãi cho…tương lai

Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất hỗ trợ một số chính sách giúp doanh nghiệp (DN) tăng quy mô sản xuất các dòng ôtô chiến lược, gồm các loại xe 8 chỗ cho thị trường nông thôn, kinh doanh vận tải taxi... và đẩy mạnh quá trình nội địa hóa các dòng sản phẩm.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki, DN đề nghị được giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2014 cho các dòng xe chiến lược có tỷ lệ nội địa hóa cao. Lý do được đưa ra là, hiện các mẫu xe 5-7 chỗ đơn vị sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% với toàn bộ khung vỏ, gầm bệ tự sản xuất được cùng với việc mua các linh kiện nội thất như: Ghế ngồi, chi tiết nhựa, săm, lốp của một số DN tại Việt Nam. Với tỷ lệ nội địa hóa này, DN mong muốn được ưu đãi sớm để mở rộng thị trường, thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển.

Việc cho DN được ưu đãi thuế trong tương lai sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu.

Cùng đó, Vinaxuki cũng đề nghị được xét cho vay vốn dài hạn, hoặc hỗ trợ bằng cách hoãn thuế từ tháng 10/2013, với số tiền lên đến 750 tỷ đồng để chi trả cho công tác nghiên cứu thiết kế, chuyển giao công nghệ dây chuyền đúc nhôm thân vỏ động cơ, nhập thiết bị gia công các chi tiết chính của hãng DMG (Đức) và Moriseiki (Nhật Bản). Vinaxuki cũng xin vay 250 tỷ đồng đầu tư cho nhà máy đúc, luyện kim loại để phục vụ sản xuất ô tô.

Trước đó, một số DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính xin gia hạn đóng thuế, với lý do phải dồn sức cho việc “phát triển ngành công nghiệp ôtô”. Trong đó có trường hợp của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), công ty CP tập đoàn Thành Công, công ty CP Ô tô TMT, công ty TNHH Hoàng Trà, và công ty TNHH Ô tô Đông Phương… Tổng số thuế xin gia hạn của các đơn vị này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Với lý do DN ngoại vào Việt Nam cũng được ưu đãi thuế, mới đây, “đại gia” ngành viễn thông Viettel cũng có văn bản gửi Thủ tướng xin miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017 (với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động), không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa.

“Chạy” xin giảm thuế

Một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Công thương cho rằng, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô xin ưu đãi thuế không phải là chuyện mới. Việc này cũng nhằm “đón đầu” chính sách được đưa ra trong “Đề án phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, những mẫu xe chở người từ 9 chỗ trở xuống, dung tích xi lanh dưới 2.0L, có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ được hưởng ưu đãi, giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ so với các dòng xe khác. Tuy nhiên, đề án hiện đang trình Chính phủ.

Một đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo Luật Quản lý thuế, DN nộp thuế sẽ được gia hạn nộp thuế, tiền phạt còn nợ trong trường hợp chứng minh được việc không còn khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp “khó khăn đặc biệt”. Việc gia hạn nộp sẽ do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Điều đáng nói, nhiều DN xin giảm thuế với thời hạn tới 5 năm. Việc này cần phải xem xét rất kỹ lưỡng, do đây là các nguồn thu trong tương lai. Hơn nữa, nếu được chấp thuận, có thể dẫn tới tình trạng DN tìm cách “chạy” xin giảm thuế khi quyết định đã được ban hành. Khi đó, phần lợi luôn thuộc về DN trong khi ngân sách bị thất thu khoản tiền lớn.

Theo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm