Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông lớn dầu khí Nhật sẽ bán xăng ở Việt Nam ra sao?

Khi vào Việt Nam, Idemitsu Kosan và đối tác sẽ khởi động bằng việc cung ứng dầu nhớt tại miền Trung, phân phối nhiên liệu này cho các hãng xe Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ ông lớn dầu khí Nhật, nhiều doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới cũng đang triển khai kế hoạch cung ứng và bán lẻ nhiên liệu ở thị trường Việt Nam. 

Doanh nghiệp ngoại đã chuẩn bị từ lâu

Công ty Idemitsu Kosan và đối tác Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait - KPI) đã cùng thành lập liên doanh lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8, với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Tại liên doanh này, mỗi bên góp vốn 50%.

Hiện, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Idemitsu và KPI đang hướng tới việc thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Đây sẽ là doanh nghiệp 100% vốn ngoại đầu tiên bước chân vào “vùng cấm” của thị trường xăng dầu Việt Nam.

Doanh nghiep ngoai duoc ban le xang dau o Viet Nam anh 1
Các điểm bán lẻ xăng dầu mang thương hiệu ngoại sẽ xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh minh họa: DNP.

Doanh nghiệp này sẽ khởi động bằng việc cung ứng sản phẩm dầu nhớt tại các địa phương nhỏ ở miền Trung, đồng thời phân phối dầu nhớt cho các hãng xe hơi của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện Idemitsu Kosan ở Đà Nẵng: "Thực tế thông tin được cấp phép là mới, còn việc nghiên cứu thị trường Việt Nam đã được chuẩn bị khá kỹ từ nhiều năm trước. Việc bắt đầu từ miền Trung cũng là điều kiện tốt để công ty mở rộng sản phẩm cũng như kênh phân phối”.

Nghị định 83/2014 NĐ- CP về kinh doanh xăng dầu trước đây chưa cho phép doanh nghiệp ngoại chạm vào mảng nhiên liệu này, với những rào cản cụ thể. Đó là lý do công ty năng lượng Total của Pháp, dù là đơn vị ngoại đầu tiên xuất hiện nhưng vẫn chưa thực sự làm chủ được mình khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Suốt 20 năm có mặt ở thị trường Việt Nam, nhưng doanh nghiệp chỉ "gá mình" vào các kênh phân phối của các công ty trong nước và kinh doanh nhượng quyền.

Tuy nhiên, thời điểm bảo hộ chắc chắn sẽ qua, khi lộ trình tới năm 2018 – 2019, thị trường xăng dầu phải mở cửa hoàn toàn. Điều này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chia sẻ: “Thị trường xăng dầu trở nên minh bạch, chúng ta thu được thuế thì không việc gì phải rào kín”.

Không chỉ dừng lại ở chuyện kinh doanh xăng dầu, mà việc phá vỡ cơ cấu sử dụng năng lượng tại Việt Nam cũng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tính đến.

Mới đây, một tập đoàn sản xuất và kinh doanh khí hóa lỏng hàng đầu châu Âu, là Gazprom cũng xin cơ chế đầu tư sản xuất và bán lẻ tại Việt Nam.

Theo khẳng định của ông Sergey Tumanov, Giám đốc điều hành Công ty Gazprom Internetional Services: “Việc sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng trong đời sống của người Việt Nam chưa phát triển, đồng thời nguồn cung khí hóa lỏng trong nước cũng không phải là nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp xin cơ chế xây dựng một dự án sản xuất và cung ứng nhiên liệu khí hóa lỏng sử dụng cho các phương tiện vận tải tại Việt Nam”.

Tuần trước, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, khi tiếp lãnh đạo Gazprom đã khẳng định: “Cơ chế để doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng khí hóa lỏng tại TP HCM luôn được mở hết sức. Nếu đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng thì TP HCM sẽ khuyến khích người sử dụng phương tiện giao thông chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng".

Doanh nghiệp nội "trấn giữ" hết mặt bằng đẹp?

Dù tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trong nước đã được cải thiện với 23 thương nhân đầu mối xuất khẩu nhập khẩu cùng 69 thương nhân phân phối xăng dầu, song đại gia Petrolimex vẫn đang nắm một tỷ lệ rất lớn. Điều này khiến cho thị trường vẫn mang tính cạnh tranh nửa vời, luôn bị ám ảnh về vấn đề an ninh năng lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại không thực sự tạo ra nguy hiểm cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi hầu hết các vị trí đẹp tại Việt Nam đều được các doanh nghiệp bán lẻ trong nước "trấn giữ".

Tuy nhiên, theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp đầu mối phía Nam, thị trường xăng dầu không phải dành riêng cho các thành phố lớn mà được mở rộng tiêu thụ cho nhiều tỉnh thành khác. Bởi vậy, việc các vị trí đẹp bị "trấn giữ" không phải là vấn đề.

"Nếu thiếu vị trí đẹp ở thành phố lớn thì các doanh nghiệp đi sau cũng có thể hóa giải, bằng cách mua lại hệ thống cửa hàng sẵn có. Trước sức ép cạnh tranh thì doanh nghiệp nội cũng dễ thỏa hiệp trong chuyện mặt bằng. Điều cần thiết là cơ quan quản lý nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý tốt các doanh nghiệp ngoại, để đảm bảo các vấn đề môi trường, tránh và hạn chế gian lận, trốn thuế", vị này phân tích.

Theo Idemitsu, dự kiến các trạm xăng sẽ bắt đầu các hoạt động bán buôn hoặc bán trực tiếp cho các doanh nghiệp trong năm 2017. Nguồn cung xăng dầu sẽ đến từ nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Hiện tại, Idemitsu không chỉ là một trong 3 công ty lọc dầu lớn nhất nước Nhật, mà còn đang là một trong những nhà bán lẻ xăng dầu hàng đầu. Tại Nhật, có khoảng 3.700 trạm xăng mang thương hiệu Idemitsu, và số người dùng thẻ tín dụng Idemitsu là khoảng 3,23 triệu người.

Theo cơ cấu cổ phần hiện tại, KPI và Idemitsu Kosan mỗi bên nắm 35,1%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) nắm 25% và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản) nắm 4,8%. Đến nay, dự án đã hoàn thành gần 80% tiến độ xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2017.

Đây là dự án có tổng mức vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, tổng công suất khi đưa vào hoạt động ước tính khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Theo Tổng giám đốc của NSRP kiêm đại diện của Idemitsu là ông Kazutoshi Shimmura từng trả lời trên tờ Nikkei rằng, các cổ đông đang có ý định tăng gấp đôi công suất dự án lên 400.000 thùng/ngày sau khi xem xét lại tiềm năng của thị trường Việt Nam.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm