Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông lão mù gần 40 năm làm từ thiện

Mất đôi mắt trong chiến tranh, nhưng gần 40 năm qua ông Út Hợp vẫn lặn lội đi khắp nơi để làm từ thiện. Nghe nơi đâu có mảnh đời bất hạnh là vài ngày sau ông xuất hiện để giúp đỡ.

Căn hộ nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) ít khi có ông chủ ở nhà bởi cụ Thái Văn Hợp (Út Hợp, 73 tuổi) thường xuyên đón xe ôm rong ruổi khắp nơi để làm việc thiện. Có hôm vợ con kiên nhẫn chờ cơm đến khuya mới thấy xe ôm đưa ông đến cổng, gương mặt ông ánh niềm vui vì vừa giúp cho một học sinh nghèo vượt khó ở huyện vùng sâu suất học bổng để tiếp tục đi học.

ong lao mu lam tu thien anh 1
Ông Thái Văn Hợp. Ảnh: Việt Tường.

Ông Út Hợp bị bom đạn cướp đi đôi mắt tại chiến trường miền Trung khi mới 28 tuổi. Xuất ngũ, ông về lại Sóc Trăng với người vợ hiền. Thiếu ánh sáng nhưng còn đôi chân khỏe, thế là 2 năm sau giải phóng, ông đi châm cứu từ thiện khắp các tỉnh miền Tây rồi lên Đông Nam Bộ, ròng rã suốt 17 năm trời. Ở đâu có ông là có hàng trăm người nhận phiếu châm cứu miễn phí mỗi ngày.

Trước khi "giải nghệ", Út Hợp được một nhà sư ở Sóc Trăng mời tham gia hướng dẫn cho học viên lớp châm cứu, bốc thuốc nam được tổ chức tại chùa nên sau đó ông có được một đội ngũ kế thừa việc châm cứu từ thiện.

Vài năm sau, biết nhiều địa phương người dân rất thiếu nước sạch nên ông liền khăn gói lên Sài Gòn tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Thời gian này, những lúc rảnh tay ông vò bột nghệ thành viên để cho những bệnh nhân bị đau bao tử mà không có tiền mua thuốc uống.

Có lần nghe bạn kể nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo, ông bèn liên hệ với bạn bè đến bệnh viện đặt vấn đề nấu cháo từ thiện phát miễn phí. Nhờ vậy mà bếp ăn từ thiện tại bệnh viện này ra đời và các bệnh viện huyện cũng làm theo mô hình này.

Hiện, điểm phát cơm, cháo miễn phí tại Bệnh viện Sóc Trăng được trụ trì một ngôi chùa ở TP Sóc Trăng phụ trách. Bà Mã Tố Phương ở chợ Sóc Trăng đã tình nguyện làm công hỏa cùng 4 phụ nữ có lòng từ tâm, muốn giúp đỡ người nghèo.

ong lao mu lam tu thien anh 2
Bà Mã Tố Phương trong một buổi phát cơm cho người nghèo. Ảnh: Việt Tường.

Theo bà Phương, từ 60 suất cháo cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi buổi sáng, bếp ăn từ thiện của bệnh viện đã phát triển thêm 2 bữa cơm chay vào trưa và chiều. "Chúng tôi duy trì việc từ thiện này từ năm 1995. Hiện, mỗi ngày nấu 150 kg gạo trở lên, phát 350-450 phần cơm, cháo. Những hôm nhiều bệnh, chúng tôi cung cấp đến 600 phần", bà Phương chia sẻ.

Trở lại việc làm từ thiện của Út Hợp, nhiều bạn bè trong và ngoài nước của ông lão mù cả hai mắt này rất cảm động nên họ gửi tiền về để Út Hợp chia sẻ với người nghèo. Vì vậy, rất nhiều học sinh tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học đã được người đàn ông mù đón xe ôm đến tận nhà trao học bổng.

"Có lần, tôi nghe radio kể về một cô bé nhà nghèo ham học ở TP HCM. Cha em này bị liệt nằm một chỗ, em trai bại não. Nữ sinh này có hôm nhịn đói đến lớp nên tôi liền tìm đến tận nhà để trao học bổng, hỗ trợ tiền hàng tháng cho em này có điều kiện ăn học", ông chia sẻ.

Đồng hành với ông Hợp trong những năm gần đây có một cụ bà 86 tuổi, quê xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Được con cháu hỗ trợ chi phí, cụ bà đi xin quần áo của nhiều người, gom về căn nhà thuê ở TP HCM rồi phân loại, cho vào bao gửi xe đò đến tận nhà ông Hợp để người này đi làm từ thiện.

ong lao mu lam tu thien anh 3
Mỗi ngày có hàng trăm người nghèo nhận cơm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường.

Ngày 7/5, sau khi nhận được 5 bao quần áo từ TP HCM, cụ Hợp thuê xe chở vào khu vực gần căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ (thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) để cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Một người nhận được quần áo từ tay cụ Hợp đã nói rằng, họ quý ông mù này ở chỗ là không phải như những người khác cứ đổ quần áo ra một đống bên đường rồi ai lựa thì lựa theo kiểu bố thí.

"Cách làm của cụ Hợp là khi xe chở quần áo đến, người nào hỏi xin và xin bao nhiêu bộ thì cụ kêu người giúp việc chọn áo quần vừa theo kích cỡ người cần mặc, đúng số lượng, đúng giới tính nên mang về là mặc được ngay, không bỏ phí phạm", một phụ nữ chia sẻ.

Một cán bộ phường 1, TP Sóc Trăng cho biết, gia đình Út Hợp luôn thực hiện tốt các chính sách của địa phương. Việc làm từ thiện của ông lão 73 tuổi này được chính quyền ghi nhận, là một tấm gương tốt cần được biểu dương.

'Nồi cháo công an' cho bệnh nhân của vị đại tá ngày cận Tết

Hơn 5h30, nồi "cháo công an" được nấu chín. Người chỉ huy nhanh tay nêm hành, ngò rồi cùng 5 cán bộ, chiến sĩ trong trang phục chỉnh tề, đưa cháo lên ôtô chở đến bệnh viện.




Việt Tường - Thiên Phước

Bạn có thể quan tâm