Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink trong buổi họp báo chiều 12/10. Ảnh: Quốc Đạt. |
"Chúng tôi hy vọng và mong đợi rằng khi là thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ là đối tác cùng với chúng tôi thúc đẩy quyền con người phổ quát", ông Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam năm 2017-2021, nói trong buổi họp báo chiều 12/10.
"Chúng tôi mong đợi Việt Nam, là thành viên đi đầu và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẽ thực hiện các nghĩa vụ của mình trên phương diện cam kết nhân quyền quốc tế", vị cựu đại sứ Mỹ nói.
Ông Kritenbrink đưa ra nhận định như trên sau khi Việt Nam hôm 11/10 đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền sau vòng bỏ phiếu cùng ngày tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Kritenbrink đang có chuyến thăm Việt Nam và Lào trong các ngày 9-14/10 nhằm khẳng định cam kết của Washington với các đối tác ở Đông Nam Á.
"Tôi đã có cơ hội trao đổi về vấn đề quyền con người trong chuyến thăm Hà Nội này", Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink nói. "Các cuộc trao đổi của chúng tôi đều rất thẳng thắn và tôn trọng. Chúng tôi rất trông chờ tới đối thoại nhân quyền Việt Nam - Mỹ sắp tới".
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. |
Khác biệt lớn
Cũng có mặt trong buổi họp báo chiều 12/10, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội đương nhiệm, ông Marc Knapper, khẳng định Việt Nam thời gian qua đã có bước tiến lớn trong cải thiện đời sống người dân.
Về lĩnh vực y tế, chống biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng, đã có sự khác biệt rõ rệt giữa Việt Nam của hiện tại với 15 năm trước, Đại sứ Knapper nói.
Vị đại sứ Mỹ chỉ ra rằng 15 năm trước, quan hệ hợp tác y tế Việt - Mỹ mới chỉ bắt đầu với chương trình PEPFAR để chống HIV/AIDS. Nhưng tới nay, hợp tác y tế Việt - Mỹ đã trở thành một trụ cột.
“Chúng ta có thể nhìn thấy cam kết của Việt Nam, cả ở cấp trung ương và địa phương, trong việc giải quyết không chỉ HIV/AIDS mà còn là bệnh lao và gần đây nhất là đại dịch Covid-19”, ông Knapper nói.
“Mỹ rất tự hào được cung cấp cho Việt Nam 40 triệu liều vaccine. Lý do duy nhất chúng tôi làm được điều đó là bởi chúng tôi biết Việt Nam sẽ có thể tiêm chủng cho người dân một cách hiệu quả và có tổ chức”, vị đại sứ Mỹ nói.
Hay một ví dụ khác là về sự tiến triển trong cơ sở hạ tầng. “(15 năm trước), khi tôi ở đây, chuyến đi tới Hạ Long sẽ mất 4 giờ trên những con đường hai làn gồ ghề. Nhưng lúc này, hành trình ấy chỉ còn mất 2 giờ trên con đường cao tốc 6 làn”, ông Knapper nói.
“Những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng như vậy đã mở lối đi tới những khu vực trước đó khó tiếp cận ở miền Bắc và Tây Nguyên. Điều này có tác động rất tốt cho đời sống và sinh kế của người dân ở đây”.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama vào năm 2015. Ảnh: AP. |
Mỹ muốn nâng tầm quan hệ
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, quan hệ Việt - Mỹ đã có nhiều bước tiến. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2023 tới đây sẽ là dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác toàn diện.
"Quan hệ Việt - Mỹ đang vững mạnh hơn bao giờ hết", ông Kritenbrink khẳng định trong buổi họp báo chiều 12/10."Mỹ muốn nâng tầm mối quan hệ đối tác với Việt Nam, về cả tên gọi lẫn thực chất".
Ông Kritenbrink cho biết đang hướng tới một mục tiêu cụ thể vào năm 2023, đó là có thể làm lễ động thổ đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội và đồng thời đưa vào vận hành đại sứ quán mới của Việt Nam ở Washington. "Việc làm như vậy sẽ là biểu tượng quan trọng cho quan hệ đối tác của hai nước", ông nói.
Rộng hơn nữa, cựu Đại sứ Kritenbrink khẳng định mức độ quan trọng của ASEAN - tổ chức mà Việt Nam là một thành viên - trong tầm nhìn của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Các đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là những quân cờ trên bàn cờ địa chính trị đối với các nước lớn", ông Kritenbrink cho biết, khẳng định rằng Mỹ muốn đảm bảo khu vực này là nơi giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.