Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters. |
Theo AFP, phát biểu trên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres được đưa ra tại hội nghị nhóm các Quốc gia Kém phát triển Nhất (LDC) trên thế giới ở thủ đô Doha của Qatar.
"Phát triển kinh tế là một thách thức lớn khi các quốc gia thiếu tài nguyên, 'ngập' trong nợ nần và vẫn đang phải hứng chịu tác động từ đại dịch Covid-19 do sự bất công trong công tác ứng phó dịch bệnh giữa các khu vực trên thế giới", Tổng thư ký Guterres phát biểu mở màn hội nghị.
Theo đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã kêu các quốc gia phát triển nên cung cấp 500 tỷ USD mỗi năm nhằm giúp đỡ nước kém phát triển đang "mắc kẹt trong một vòng xoáy tàn nhẫn", cản trở khả năng phát triển nền kinh tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
"Chống lại những thảm họa khí hậu mà bạn không góp phần gây ra là một thách thức lớn khi lãi suất từ các nguồn vốn vay luôn rất cao. Trong khi đó, sự trợ giúp tài chính mà các nước đang phát triển nhận được chỉ mang tính nhỏ giọt", ông Guterres cho biết.
"Các quốc gia giàu tài nguyên nhiên liệu hóa thạch đang thu được lợi nhuận khổng lồ, trong khi hàng triệu người dân tại các quốc gia nghèo hơn không đủ tiền mua thực phẩm", tổng thư ký Liên Hợp Quốc bổ sung.
Hội nghị của 46 quốc gia thuộc nhóm LDC, thường được tổ chức mỗi 10 năm, nhưng đã bị hoãn 2 lần kể từ năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Không có đại diện nào từ các quốc gia phát triển tham dự hội nghị hôm 4/3 của nhóm LDC.
Các quốc gia giàu có đã cam kết hỗ trợ hàng trăm tỷ USD nhằm giúp các nước đang phát triển chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những cam kết này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Tổng thư ký Guterres cho biết Liên Hợp Quốc sẽ nỗ lực để giúp những nước kém phát triển nhận được "sự hỗ trợ đã được cam kết".
"Đây không phải một hành động từ thiện, mà là trách nhiệm đạo đức của chúng ta", ông Gueterres khẳng định.
Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu
“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.