Đó là loại rượu mận nổi danh trên đất cù lao miền Tây sông nước. Việc làm khác thường của ông khiến bà con trầm trồ kinh ngạc. Tiếp chuyện, lão nông 67 tuổi, có gương mặt cương nghị, dáng vẻ còn rắn rỏi và giọng nói khỏe khoắn hồ hởi kể về chuyện đời mình. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha là cựu tù Côn Đảo, mẹ nuôi chứa các chiến sĩ cách mạng. Là con út thứ tư trong 5 chị em trong nhà, từ nhỏ Sáu Tia đã lanh lợi, thông minh hơn người.
Tình cờ “sáng chế rượu lạ”
Năm 2006, nhận thấy mận rớt giá thê thảm, bà con trong vùng điêu đứng. Xót xa, Sáu Tia trăn trở tìm hướng đi mới cho cây mận quê hương. Suốt bao nhiêu năm tôi ấp ủ, chỉ ước mong sao đưa trái mận ngày càng được biết đến rộng, xa. Đợt mận rớt giá thảm hại năm 2006, như một cơ duyên xui khiến tôi bắt tay nghiên cứu chế ra rượu mận”.
Ông kể, mảnh đất cù lao Tân Lộc nổi tiếng về các sản vật cây trái, trong nhiều loại cây ăn trái ở đây, trồng nhiều và nổi tiếng nhất là mận An Phước. Cây mận đã đem lại cơm no, áo ấm và cuộc sống sung túc cho phần lớn các hộ dân nơi này. Nhưng cũng chính cây mận, nhiều năm cũng khiến người dân điêu đứng vì rớt giá. Trước tình trạng đó, nhiều người dân loay hoay đốn mận chuyển đổi cây trồng khác, người thì bỏ bê vườn mận không chăm sóc.
Lão nông Sáu Tia kể về câu chuyện “kì dị” của ông. H.K. |
Một lần, khi ra thăm vườn mận sau nhà, tình cờ nhìn trái mận rớt xuống mương nước sủi những bọt trắng. Một ý tưởng vụt lóe lên trong đầu, ông reo mừng như phát hiện sự lạ. Với kinh nghiệm vốn có, ông nhanh chóng phát hiện ra là quả mận có thể lên men tự nhiên được. Tâm trạng phấn chấn lạ thường, nhặt nhanh mấy quả mận rồi ông bóp vỡ. Sau đó, Sáu Tia cho vào hũ thủy tinh ủ thử vài ngày và hồi hộp chờ đợi kết quả. Sau 5 ngày, ông mở hũ nếm thử, kinh ngạc nhận thấy hũ mận ngâm lên men, có vị cay nồng xộc lên mũi. Từ đó, ý tưởng chưng cất chế rượu từ trái mận được hình thành.
Nghĩ là làm, lập tức lão nông bắt tay vào thực hiện công việc được nhiều người cho là: “khùng, điên” vào thời điểm đó. Ông quyết tâm chế bằng được loại rượu mận mang hương vị quê hương. “Những ngày đầu, việc chế rượu vô cùng khó khăn. Để ủ được rượu, tôi dùng cối giã nát các trái mận, sau đó, cho vào các thùng ủ lên men. Sau này, thấy việc giã mận vất vả, tôi hì hục mua các thiết bị cơ khí về chế ra máy xay mận” - vừa nói ông vừa chỉ vào chiếc máy xay mận ở góc nhà.
Con đường “nghiên cứu”, chế rượu mận của ông rất gian nan, vất vả. Sau hàng trăm lần thử nghiệm, thay đổi cách ủ, tạo men trong suốt 1 năm trời. Thậm chí, bỏ tiền mua cả rượu ngoại về uống và say. Rồi ông uống rượu mận của mình cho say để so sánh tìm ra công thức tối ưu để làm rượu. Ông nhớ lại: “Rượu mận của ông những ngày đầu làm ra bị chê bởi vị gắt, khó uống. Phải để vài năm mới ngon. Buồn rầu, ông lại vùi đầu vào tìm tòi sáng tạo. Sau 1 năm vất vả, ông phát hiện việc mồi men cho mận ủ bằng mạch nha lên men, và điều phối tỷ lệ thích hợp sẽ cho ra một loại rượu mận mà chỉ 5 tháng sau đã có vị ngon bất ngờ”.
“Phương pháp chưng cất cũng như rượu thường thôi. Mận xay nhuyễn, ủ men rồi đun nóng. Rượu mận được chắt lọc từ những hơi nước bốc lên rồi ngưng tụ lại. Nhưng bí quyết nằm ở chỗ mồi men mạch nha và tỷ lệ phối. Để có rượu ngon phải dùng tỷ lệ chính xác, ngày trước để rượu ngon chưng cất xong tôi phải để cả năm sau mới uống thử và bán. Nay chỉ cần 5 tháng là rượu ngon rồi. Mừng lắm”, Sáu Tia cười đắc chí.
Ước mong sinh lợi từ rượu mận để giúp học sinh nghèo
Nhìn những giọt rượu mận trong vắt, lão nông Sáu Tia tự hào nói: “Rượu mận c ủa tôi được lòng người uống không chỉ bởi mùi thơm tự nhiên, mà còn có vị cay nồng đặc biệt. Quan trọng hơn, rượu được làm hoàn toàn bằng trái cây, không có hóa chất phụ gia, không pha cồn, không hề có độc tố. Lại hỗ trợ tiêu hóa, khiến người ta ăn ngon hơn”.
Năm nay 67 tuổi, nhưng ông Sáu Tia nhìn vẫn còn quắc thước, khỏe khoắn lắm. Trăn trở với trái mận, sau khi nghiên cứu thành công cách sản xuất. Ông tự thiết kế lò chưng cất, dốc vét vốn liếng và vay mượn, đầu tư gần 2 tỷ đồng vào việc sản xuất rượu mận. Riêng chỉ việc nghiền ngẫm chế tạo bình đựng rượu mận, cũng khiến ông hao tổn nhiều tâm sức. Ông tâm sự, bởi rượu mận làm từ trái mận nên nếu đựng vào bình thủy tinh thì thường quá. Không gây được cảm xúc đặc biệt, chẳng có hồn cốt của rượu mận. Vì thế, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định làm bình đựng rượu bằng gốm, mang hình trái mận.
“Nghĩ được thế, tôi ra vườn chọn trái mận thiệt đẹp chụp hình lại. Rồi lặn lội ra tận Bình Dương đặt họ làm. Ngặt nỗi, cơ sở gốm nhận làm cho nhưng mỗi lần phải đặt 5.000 bình như thế, mỗi bình mất 35.000 đồng. Thành thử riêng tiền đặt làm bình rượu đã ngốn gần 200 triệu đồng”, Sáu Tia nói.
Bình đựng rượu mận độc đáo do lão nông sáng tạo ra. |
Sau những nỗ lực, giờ đây lão nông đã sở hữu một xưởng sản xuất rượu có quy mô khá lớn, với lò chưng cất hiện đại. “Vợ con tôi không ai ủng hộ tôi làm rượu mận cả. Họ nói tôi làm mà chẳng thấy lợi nhuận đâu cả, chỉ thấy tốn tiền thôi. Tôi tốn thật để xây dựng được lò chưng cất quy mô như thế này, tôi đã đầu tư tiền tỷ vào đó. Chủ yếu là đi vay mượn, đến giờ tôi vẫn khó khăn nhưng quyết tâm trong tôi thì chưa bao giờ chùn bước cả”, Sáu Tia bộc bạch.
Không chỉ người nhà chê bai, những người dân ở cù lao này cũng mỉa mai rằng ông bị “khùng”, ông Sáu Tia tào lao khi nghĩ rượu làm từ trái mận. Thế nhưng, sau những năm tháng vất vả, đến nay ông đã đạt được những thành công nhất định, chứng minh được ý tưởng “khùng khùng” của mình hoàn toàn khả thi và một ngày sẽ thành công.
Trải qua 8 năm lận đận cùng trái mận, rượu mận Sáu Tia bây giờ mới bắt đầu khởi sắc. Rượu mận của ông được cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền, được đăng ký cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện, Sáu Tia đang làm thủ tục để được công nhận: Độc quyền sáng chế rượu mận. Đáng mừng, rượu mận của ông bắt đầu bán được và có tiếng trên thị thường. Bây giờ, rượu mận Sáu Tia đã có mặt ở siêu thị BigC Cần Thơ, khu du lịch Phong Điền. Đặc biệt, bạn hàng ở các tỉnh miền Tây cũng tìm đến ông. Nhiều lãnh đạo địa phương ủng hộ, động viên ông phát triển thương hiệu “Rượu mận Sáu Tia”.
“Từ ngày đầu tư lò nấu rượu, mỗi ngày tiêu thụ cả tấn mận, cũng giúp đỡ thu mua cho bà con phần nào. Tôi chỉ ước sao rượu mận bán được phổ biến, tôi giúp bà con trồng mận được nhiều hơn. Lợi nhuận tôi đem giúp đỡ học sinh nghèo. Bao nhiêu năm tôi làm rượu mận không phải vì tiền, mà bởi tôi yêu cây mận quê hương. Nếu ham tiền tôi đi vay mượn chi cho đeo nợ khi lao đầu vào công việc khó khăn chẳng biết ngày nào thành công. May mắn, giờ rượu của tôi cũng có chút đỉnh thành công”, Sáu Tia thổ lộ.
Là người giàu ý chí, quyết tâm. Cơ sở sản xuất rượu mận Sáu Tia của ông còn độc đáo ở chỗ: Chỉ mình Sáu Tia vừa là chủ, vừa là công nhân và kiêm luôn vai trò bán, giao hàng. Ông hăng hái tiếp thị rượu mận mang hương vị quê hương đi nhiều nơi. Hễ nơi nào đặt hàng, ông lại tận tụy khi thì gửi qua đường bưu điện. Khi thì đem đến tận nơi. Tuổi khá cao, nhưng Sáu Tia vẫn còn đầy tâm huyết, cùng chiếc xe honda cũ, ông rong ruổi giao hàng ở nhiều tỉnh miền Tây.
Để làm ra được một mẻ rượu, ông phải mất tới 7 ngày chưng cất, đóng bình, vào hộp. Công việc vất vả liền tay, nhưng ông vẫn nhiệt huyết tận tụy. Trong đôi mắt của lão nông xứ cù lao luôn ánh lên niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Nhấp ly rượu mận đưa cay, Sáu Tia chia sẻ: “Tôi già rồi, không biết có cơ hội để nhìn thấy rượu mận của mình đi khắp nước, khắp thế giới hay không nữa. Nhưng còn sức, còn thở là tôi còn làm”.