Đó là khách sạn Nisiyama Onsen Keiunkan gần suối nước nóng, ra đời từ năm 705. Khách sạn lâu đời nhất thứ hai cũng là một cơ sở khoáng nóng tại Nhật: Ryokan, hoạt động từ năm 718. doanh nghiệp
Mới nghe thì thấy việc Nhật có được nhiều doanh nghiệp (DN) rất “xưa” như thế hẳn là chuyện bình thường không có gì làm ta ngạc nhiên, bởi chúng ta đang nói đến một đất nước cổ kính với một nền kinh tế lâu đời. Đa số các DN cổ xưa bậc nhất tại Nhật đều là các công ty gia đình tại địa phương, như các hãng sản xuất rượu sakê và các lữ quán (ryokan) vốn đã ra đời vào thế kỷ 13 để phục vụ các thương gia đi lại làm ăn giữa Tokyo và Kyoto.
Khách sạn gần suối nước nóng ra đời từ năm 705. |
Truyền ngôi
Theo ông Hugh Patrick, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại Nhật Bản thuộc khoa Kinh doanh ĐH Columbia (Mỹ), trước khi trở thành đất nước châu Á đầu tiên bước vào con đường công nghiệp hóa vào thập niên 1870, Nhật đã từng có một nền kinh tế nông nghiệp rất phát triển song song với một “tầng lớp thị dân đông đảo và giàu có”. Chính thành phần thị dân sung túc này đã tạo nên nguồn khách hàng dồi dào cho các DN nhỏ lẻ của Nhật vào lúc đó.
Tuy nhiên, yếu tố trên chỉ giải thích được nguyên nhân chứ chưa thể giúp chúng ta lập luận được vì sao và bằng cách nào mà các DN nói trên đã có thể “trường thọ”. Để giải thích lý do này, GS David Weinstein chuyên nghiên cứu về kinh tế Nhật tại ĐH Columbia phát biểu rằng yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các DN gia đình lâu đời nhất tại Nhật chính là quyền được thừa hưởng di sản qua từng thế hệ trong gia tộc, theo đó người con trai trưởng sẽ được gia đình giao lại toàn bộ gia sản của dòng họ, vì thế các công ty Nhật có thể được chuyển giao cho chỉ một thành viên duy nhất trong gia đình và lần lượt qua nhiều thế hệ.
Việc được thừa hưởng di sản theo từng thế hệ này gần như đã không còn tồn tại vào thế kỷ 20 nhưng các ông chủ DN ngày nay vẫn thường còn giữ lề lối xưa là chuyển giao công ty của mình chỉ cho một người duy nhất mà ông chọn để trao lại tài sản.
Hiện nay việc giữ gìn truyền thống kinh doanh trong gia đình thường là việc nhận đỡ đầu một thanh niên trưởng thành. Khi đó giám đốc một DN sẽ chính thức nhận đỡ đầu, đúng theo pháp luật, người tổng giám đốc mới của công ty hay của tập đoàn kinh doanh và sau đó giám đốc sẽ chuyển giao lại cho “ngôi báu” cho người “nối ngôi” được chọn. Đặc biệt là ông chủ thường sẽ gả con gái của mình cho người thanh niên nào mà ông đã chọn để “kế vị” và sau đó sẽ chuyển giao toàn bộ gia sản của mình cho người con rể đó.
Con nuôi quản lý tốt hơn con ruột
Vào năm 2011, có hơn 90% trong số 81.000 người được nhận làm con nuôi tại Nhật là thanh niên trưởng thành. Và theo một nghiên cứu, DN nào được quản lý bởi những đối tượng con nuôi thường làm ăn hiệu quả hơn là những DN được “truyền ngôi” theo thế hệ sinh học. Và các công ty gia đình này, dù là “sinh học” hay “con nuôi” đều đã “qua mặt” được các DN không phải là “gia đình”.
GS David Weinstein dẫn ra ví dụ về hai công ty Sumitomo và Mitsui đã tồn tại từ nhiều thế kỷ nay và đã hợp nhất lại thành một DN đa quốc gia có tên là “SMBC”, là ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật.
Còn có trường hợp Nintendo, vốn khởi nghiệp là một cơ sở sản xuất các bộ bài (cho trò chơi đánh bài) vào thế kỷ 19 và đã thành công trong việc hóa thân thành một công ty sản xuất các sản phẩm điện tử nổi tiếng nhưng vẫn giữ tư cách pháp nhân là một công ty gia đình.
Theo chuyên gia Hugh Whittaker, thuộc Nissan Institute of Japanese Studies tại ĐH Oxford (Anh), các DN hoạt động theo mô hình như thế vẫn được duy trì qua nhiều thế kỷ và hoạt động thành công trong sự cân bằng rất tốt giữa tính liên tục và quá trình cải tiến đổi mới.
Ông Whittaker giải thích rằng “logic hoạt động kinh doanh tại Nhật là một logic được đặt trên nền tảng của sự trung thành và tính trung thực hơn là dựa vào sự lựa chọn”. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng các chủ kinh doanh người Nhật luôn nghĩ đến sự trường tồn của DN hơn là sự thành công nhất thời theo kiểu “mì ăn liền”. Nói tóm lại, văn hóa kinh doanh của Nhật không bị ám ảnh bởi những khoản lợi nhuận hằng tháng hoặc hằng quý.
GS David Weinstein tóm tắt: “Các DN mang tính chất hộ gia đình luôn có sức bền tốt hơn và vẫn đang tiếp tục tồn tại khi mà thương hiệu của họ vẫn còn”.