Bệnh chàm sùi
Giữa cái nắng như thiêu đốt của trưa hè, tôi tình cờ gặp ông Đỗ Văn Luyện (57 tuổi, ở xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình) ngay trên đất Cảng. Phút ban đầu, người đàn ông ấy khiến tôi hoảng sợ bởi hình thù quái dị trên khuôn mặt. Gương mặt ông lão bị biến dạng ghê gớm bởi những khối u lỗ chỗ, sần sùi, tím ngắt như quả mận chín che gần kín khuôn mặt, kéo gò má vẹo sang một bên.
Gương mặt ông lão bị biến dạng ghê gớm bởi những khối u lỗ chỗ, sần sùi, tím ngắt như quả mận chín |
Thậm chí, lỗ mũi đã bị bít chặt bởi những cục thịt thừa. Để thở được, ông Luyện phải cắt 2 đoạn ống ti-ô nhét vào lỗ mũi. Khi ông lỡ tay nhét mạnh đoạn ống vào sâu trong mũi, máu tứa ra, chảy xuống áo.
Nhưng ông vẫn phải nén đau, cố định đoạn ống trong cánh mũi, bởi nếu không sẽ bị ngạt thở mà chết. Lão khó nhọc thở, kèm theo tiếng “phì phì”. Thỉnh thoảng, ông phải lấy tay nhấc cao cục u ở mũi, để không dính vào phần môi, để hít được chút không khí.
Không chỉ việc hít thở mà ngay cả nói năng, ăn uống cũng là cực hình với ông. Khối u nặng nề nhất nằm ở hai bờ môi, khiến cho đôi môi của ông Luyện dày lên. Mỗi lần ăn uống, ông đều phải dùng một tay vén khối u ở môi trên, rồi nghiêng người, dùng tay còn lại mới lựa để đưa thức ăn hay nước uống vào miệng.
Khi nói, ông cũng phải dùng tay vén cục thịt thừa ở môi trên, nhưng thứ âm thanh phát ra cũng chẳng thể chuẩn xác mà méo mó, ngọng ngịu và thều thào nơi cuống họng. Phải ngồi sát, ghé tai tôi mới nghe được toàn bộ câu chuyện cuộc đời người đàn ông này trong tiếng nói đứt đoạn, ngắt quãng vì mệt mỏi.
Ông Luyện là con trai độc nhất trong gia đình có hai anh em, nhưng chỉ riêng ông chịu bất hạnh, thiệt thòi. Từ khi lọt lòng mẹ, ôngvđã bị chàm từ đầu, mặt xuống đến nửa cơ thể bên phải. Ngày còn nhỏ, những chỗ bị chàm có màu đỏ, không sưng, không đau nên ông vẫn sinh hoạt bình thường.
"Năm 17 tuổi, những vết chàm trên mặt bắt đầu sùi và sưng lên. Lúc đó, nhà nghèo lắm, cơm chẳng đủ ăn, cha mẹ vay mượn tiền bạc đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi nhưng rồi lại trở về trong vô vọng, do bệnh chàm sùi không có thuốc đặc trị. Nhìn khuôn mặt của tôi ngày một biến dạng, hàng xóm cũng không dám đến gần", người đàn ông bất hạnh kể.
Nói đến đây, lời kể của ông nghèn nghẹn, đứt đoạn rất lâu. Ông khóc nhưng rất khó nhận ra bởi một bên mắt phải bị khối u xâm chiếm, buộc ông phải nhập viện cắt bỏ. Tuy nhiên, khối u vẫn phát triển từng ngày và đang lan dần sang mắt trái nên hiện tại ông cũng chỉ lờ mờ nhìn thấy xung quanh.
Khuôn mặt của ông Luyện ngày một biến dạng khiến không một ai dám đến gần. Người có lòng thì chỉ biết đứng từ xa thương cảm, kẻ ác mồm thì đặt điều rằng kiếp trước ông lão sống ác nên kiếp này bị giời hành. Không chịu được cuộc sống cô độc trong xóm nghèo, nên từ năm 1987, ông đã lang lang để xin ăn, sống qua ngày và có tiền đi bệnh viện.
Ông Luyện lang thang khắp nơi, đến cả các tỉnh như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh… nhưng ông bảo, cả đời ông chưa bao giờ sử dụng bất cứ phương tiện đi lại nào. Xe đạp, xe máy ông không biết đi, ôtô khách thì chẳng ai dám cho ông lên và điều quan trọng là ông không có tiền.
Suốt cuộc đời ông chỉ đi bộ, khắp tỉnh này qua tỉnh khác. Những lúc mệt quá, vấp ngã đến sưng phồng hai đầu gối là chuyện thường. Ngã rồi tự ông lão phải bò dậy, chứ chẳng dám nhờ ai. Cơ thể ông tiều tụy, chỉ còn hơn 40 kg. Ông Luyện bảo rằng, ăn bao nhiêu đi chăng nữa, thì chất dinh dưỡng nuôi hết khối u rồi, nên lúc nào người ông cũng thấy mệt mỏi do thiếu chất.
Đi ăn xin nhưng ông Luyện cũng chả xin được mấy đồng. Trẻ con thấy gương mặt ông đã khóc thét nên người lớn thường tìm cách xua đuổi ông chứ nào còn tâm trí để cảm thương, bố thí vài đồng bạc lẻ. Thi thoảng cũng có người nán lại cho ông vài đồng.
Những đồng tiền ít ỏi xin được suốt quá trình hành khất, ông Luyện cất kỹ để một vài tháng trở về quê trang trải cuộc sống cho người vợ què hai chân.
Ông bảo, vì không biết chữ, không biết nhận dạng tiền nên ông sợ bị lừa. Lúc đói, ông lân la đến các hàng ăn để xin cơm thừa, canh cặn. Chẳng ai dám cho ông thuê nhà trọ, nên với ông “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Nặng gánh nơi quê nhà
Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời người đàn ông mang gương mặt “quỷ” ấy có lẽ là người vợ tật nguyền. Những tưởng cả cuộc đời ông Luyện sẽ phải sống trong cô độc, nhưng rồi vẫn có một người phụ nữ gạt bỏ những dị thường, lặng lẽ về làm vợ ông. Nhưng ở một góc độ khác, niềm hạnh phúc của ông lão lại chính là gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn cả lên tấm thân già ấy.
Ông Luyện phải đi ăn xin để nuôi một người vợ què quặt ở quê nhà |
Năm 1988, một lần ông Luyện đi xin ăn qua xã Đông Phương, Đông Hưng, Thái Bình, ông đã gặp bà Nguyễn Thị Chỉ (55 tuổi), hai chân què quặt, đi lại rất khó khăn. Bà Chỉnh chỉ quanh quẩn làm việc vặt trong gia đình, chứ việc đồng áng hay chăn nuôi thì bà không thể cáng đáng được. Mặc cho gia đình ngăn cản, ông Luyện vẫn quyết định sống trọn đời với người phụ nữ bất hạnh.
Tổ ấm đơn sơ của vợ chồng ông Luyện là ngôi nhà tranh vách đất nơi quê nghèo. Cuộc sống nghèo khó, cơ cực nhưng lão thấy hạnh phúc và ấm cúng khi hai đứa con 1 trai, 1 gái lần lượt chào đời, vào năm 1989 và 1992. May mắn hơn cả, hai con không bị di truyền bệnh chàm sùi từ cha.
Không có khả năng lao động, lại nuôi con nhỏ nên ông lão vẫn phải rong ruổi khắp vùng để xin ăn. Giờ các con của ông Luyện đã khôn lớn, trưởng thành và đều lập gia đình, lão đã lên chức ông nội, ông ngoại. Nhưng kinh tế của các con ông Luyện cũng bữa đói, bữa no, không thể lo được cho cha, mẹ, nên ông vẫn phải nay đây, mai đó để xin ăn, nuôi sống bản thân và lo cho người vợ tàn tật nơi thôn quê.
Mồ hôi túa ra khiến những khối u trên cơ thể ông Luyện râm ran ngứa. Ông đưa bàn tay còm nhom xoa xoa lên gương mặt dị dạng rồi bảo, ngứa lắm nhưng động vào lại có cảm giác ran rát và đau.
“Có những lúc, khối u hành hạ khiến tôi đau nhức, mệt mỏi và phải nhập viện. Bác sỹ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ những chỗ chàm sùi, nhưng khi nghe chi phí tốn hàng trăm triệu đồng, tôi đành khăn gói về nhà, bởi số tiền đó tôi có nằm mơ cũng không có được”, ông lão thở hắt qua hai ống ti ô thọc sâu trong cánh mũi.
“Cuộc đời này tôi chỉ mong sao có một phép màu nào đó, để tôi được mang khuôn mặt của một con người, để tôi được thở bình thường, được một đêm ngủ ngon giấc, có thể bưng bát cơm ăn ngon lành như bao người khác…”, ông Luyện mong mỏi.