Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) để lại cho đời một văn nghiệp đồ sộ với những tác phẩm văn học Hương rừng Cà Mau, Bà chúa Hòn, Vọc nước giỡn trăng... cùng nhiều cuốn sách biên khảo có giá trị như Nói về miền Nam, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam... Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing trích đăng một số bài viết trong tác phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu "Ông già đi bộ" của tác giả Đào Tăng, một người bạn của nhà văn viết để tưởng nhớ ông, giúp chúng ta biết thêm về những nét bình dị trong đời sống của "ông già đi bộ" Sơn Nam.
Đọc nhiều, viết nhiều, nhà văn Sơn Nam như thư viện sống với biết bao kiến thức về đất và người Nam Bộ. Để từ đó, ngòi bút của ông tạo nên những tác phẩm để đời cả về văn học cũng như những biên khảo liên quan đến mảnh đất chín rồng.
Nhà văn Sơn Nam tìm tài liệu trong thư viện Gò Vấp. Ảnh: Đức Huy. |
Bị ngỡ là trộm
Cuối Nhà truyền thống quận Gò Vấp ở đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, điểm vuông góc nối liền các bức tường phía sau có một cái hốc kẹt hình chữ L, bề ngang lối vào vừa lách đủ tấm thân, rẽ tay phải có khúc đường luồn trống sâu hai thước, rộng cũng chỉ bấy nhiêu, chiều cao gần ba thước, tăm tối và đầy mạng nhện.
Lãnh đạo Nhà truyền thống đã tế nhị để cho nhà văn một góc làm cõi dung thân, tập hợp tất cả sách báo, tư liệu của ông xưa nay, cũ mới chở bằng nhiều chuyến xe ba gác gom về một chỗ.
Những tháng năm đến sống ở Gò Vấp, nhà văn Sơn Nam đã vào cái thư viện chẳng giống ai đó ngồi nghiên cứu. Và trong cõi thư phòng lặng lẽ đôi lúc còn để nghiền ngẫm sự đời.
Một câu chuyện bi hài được kể lại: Vào năm ấy, sau cữ cà phê chiều, ngồi trầm ngâm giây lát, Sơn Nam lại đứng lên, lủi thủi đi về hướng phòng trọ. Ông mở khóa lách cách vào lục tìm sách làm việc như thường lệ.
Trời tối dần, đèn trên cao Nhà truyền thống bật sáng, qua tàng cây chiếu xuống mặt đất những mảng vàng đen. Ðêm khuya im ắng, đó đây côn trùng rả rích, trên vách tường cơ quan con thằn lằn chắc lưỡi... Bỗng có tiếng la to:
- Ăn trộm! Ăn trộm! Bắt lấy nó!
Tiếp đến là tiếng chân chạy rầm rập của các nhân viên bảo vệ phóng nhanh, áp sát vào chỗ cửa phòng trọ. Nhưng mọi người bỗng khựng lại! Rồi lại có tiếng cười ngặt nghẽo, tiếng nói lớn:
- Bác Sơn Nam! Trời ơi, bác vô trong đó hồi nào, giờ này lại đi ra? Tụi cháu vừa thay ca!
Nhà văn của chúng ta cũng cười xuề xòa, dí dỏm:
- Hồi giờ tụi bay có thấy ai ăn trộm mà mặc quần áo bỏ vô thùng, đầu đội nón, miệng hút thuốc lá đỏ hoe, tay ôm sách không? Chỉ coi, tao tặng bằng khen liền!
Còn anh em công an khu vực thì bấy nay quá rành cái kho sách này, nên đã tặng cho ông cái gạt tàn to bằng cái ly cối và cái xô lúc nào cũng đựng đầy nước, với lời khuyến cáo hãy đề phòng hỏa hoạn, nhất là những lúc ngẫu hứng bật quẹt hút thuốc lá.
Và họ còn ưu ái thường đến phun thuốc trừ mối mọt để bảo vệ tư liệu quý giá của nhà văn.
Không như “dã tràng xe cát biển Ðông”, dẫu hoàn cảnh oái oăm nghiệt ngã thế nào, bản lãnh con “mọt sách tài năng” vẫn bòn được những viên ngọc quý kết thành vương miện đặt lên ngai vàng văn học.
Thư viện sống kiến thức về Nam Bộ
Ðến nơi chốn nào cũng phong phú đề tài, vốn sống, không bờ, không bến. Ông thao thao kể liên tục mọi chi tiết tỉ mỉ về đặc trưng nhân văn, lịch sử, văn hóa...
Vị khách đang ngồi đó chính là một bậc “thượng thông thiên văn, trung quán nhân tình, hạ đạt địa lý”. Say mê, bén nhạy, trí nhớ tốt lạ lùng ở tuổi 70. Báo chí đã nói đó là một cái “thư viện sống”.
Lòng hoài cổ, máu tim ông thắt chặt nơi xứ sở. Ngòi bút của ông bấy nay đã ngời sáng như những bức tranh sơn thủy, những tâm tư của dĩ vãng, vượt thời gian và không gian, lắng đọng trong lòng người.
Ông là một nhân cách lớn. Tuổi đời lẫn tuổi văn đều rộng, sâu thăm thẳm, sức sống, sức làm việc dồi dào, yêu đồng nghiệp, yêu văn chương báo chí khôn cùng.
Đồng nghiệp đều nói Sơn Nam là một cái "thư viện sống". Bạn bè đến nơi ông ở đều thấy sách báo tài liệu cũ mới ngổn ngang luộm thuộm như ve chai. Ở đầu giường, chân bàn ghế, hốc kẹt…
Thế nhưng khi cần tìm một tác phẩm trong đống bề bộn đó, cứ như một quản thủ thư viện, ông mò đến thò tay đúng nơi đúng chỗ rút ra trúng phóc.
Nhân viên thư viện quen thuộc với nhà văn, luôn tận tình tìm giúp ông những đầu sách cần tra cứu. Ảnh: Đức Huy. |
Có lẽ chúng tôi "ớn sư phụ" nhất chính là lúc sắp đi đến các nơi được mời thuyết trình, tham luận… về các đề tài văn học, danh nhân, địa chí, lịch sử dân tộc, phong tục tập quán, lễ hội dân gian… Chẳng bao giờ thấy ông cầm một mảnh giấy nào. Thắc mắc hỏi, ông nói:
- Thì cũng giống như đồ ăn có sẵn trong tủ lạnh lấy ra ăn. Cũng như cái radio bật công tắc lên, chớ có gì đâu! Điều cần quan tâm là đối tượng sẽ nghe mình là ai. Quan chức, cán bộ, sinh viên các trường đại học… hay là mình sẽ xuất hiện trên đài truyền thanh, truyền hình với quần chúng?
Thế nhưng, cũng có lần, nghe chúng tôi nói đi đến với hai tay chẳng có gì cả kỳ lắm, Sơn Nam liền quơ vội một cuốn sách nào đó cầm theo.
Xế trưa về nhà, chúng tôi cười ngặt nghẽo: Cuốn sách đó nói về "Thai nhi và sản phụ". Hỡi ôi! Nó chẳng ăn nhập gì với đề tài "Lễ hội đình thần và Tết Nguyên đán" mà ông đã thao thao bất tuyệt giữa công chúng một cách rất thuyết phục hơn hai giờ đồng hồ.
Có lẽ giữa phố phường hoa lệ hiện đại này, chẳng một ai có cái túi vải “nhau mèo” như của Sơn Nam. Rất oải, nó chẳng giống ai, dẫu có ném giữa chợ cũng chẳng ai thèm để mắt tới. Cái túi vải ấy vẫn kè kè sau lưng nhà văn, ông cầm trên tay đàng sau xe chúng tôi, ngoài tầm ngắm của bọn cướp giật.
Mấy ai biết trong cái túi ấy chính là những xấp bản thảo sách dày cộm đã viết xong, là những biên soạn, khảo cứu dày công của ông về mọi lãnh vực văn học nghệ thuật... tác giả đem đến cho các nhà xuất bản. Sau đó văn chương khuôn vàng thước ngọc sẽ được in ấn, phát hành, đặt bệ vệ trên tủ kính các nhà sách, thư viện.