"Hãy trả chúng tôi những chiếc chuông Balangiga. Chúng không phải của các anh. Chúng là của chúng tôi", AFP dẫn lời ông Duterte trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội.
"Những chiếc chuông này là lời nhắc về sự dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của tổ tiên chúng ta, những người đã chống lại những kẻ xâm lược thuộc địa người Mỹ và hy sinh mạng sống của họ", ông nói.
Lính Mỹ đã lấy 3 chiếc chuông từ nhà thờ Công giáo của thị trấn Balangiga trên đảo Samar làm chiến lợi phẩm vào năm 1901, trong một chiến dịch quân sự mà các nhà sử học cho là đặc biệt tàn bạo ở thuộc địa mới của Mỹ.
Tổng thống Duterte phát biểu trước Quốc hội Philippines. Ảnh: ABS-CBN. |
Hai trong số các chiếc chuông được đặt tại đài tưởng niệm chiến tranh của Mỹ ở bang Wyoming, chiếc thứ 3 được quân đội Mỹ đưa tới Hàn Quốc.
"Chúng tôi biết rằng những chiếc chuông của Balangiga có ý nghĩa rất sâu sắc đối với một số người, cả ở Mỹ và Philippines. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phía Philippines để tìm ra giải pháp", bà Molly Koscina, phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ, trả lời AFP qua email.
Theo một nghiên cứu của trường Chiến tranh Quân đội Mỹ, chiến dịch Samar bắt đầu khoảng một tháng sau khi nhóm nổi dậy người Philippines giết chết 34 lính Mỹ tại Balangiga vào ngày 28/9/1901. Quân đội Mỹ đã phá hủy thị trấn này.
Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos từng cố gắng đòi lại những chiếc chuông trong chuyến thăm Washington năm 1998 nhưng thất bại.
Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ trước khi được chuyển cho Mỹ vào năm 1858, khi Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ kết thúc. Nước này đã giành lại độc lập từ Mỹ vào năm 1946.