Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Dương Công Minh: '5 năm không xong nợ xấu, tôi sẽ rời Sacombank'

Đặt mục tiêu giảm thời gian thực hiện tái cơ cấu một nửa so với kế hoạch được duyệt, ông Dương Công Minh nói với cổ đông Sacombank 5 năm không xử lý được nợ xấu, ông sẽ ra đi.

Sáng nay, ngày 20/4/2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (mã chứng khoán STB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2017. Câu chuyện xử lý nợ xấu, tái cơ cấu theo đề án của Ngân hàng Nhà nước, lương thưởng người lao động và cổ tức cho cổ đông là những vấn đề được chất vấn nhiều nhất.

Rút ngắn một nửa thời gian tái cơ cấu

Theo báo cáo tại đại hội, tính đến hết năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt 368.469 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm trước. Tổng dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 225.595 tỷ, tăng 12,5%, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 4,59%, giảm 2,22% so với 2016 (6,81%). Năm 2017, nhà băng này trích lập dự phòng và phân bổ lại lãi dự thu theo năng lực tài chính 905 tỷ đồng. Kết quả, năm qua ngân hàng này thu về 1.492 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 9,6 lần so với năm trước.

Cũng trong năm vừa qua, Sacombank đã xử lý và thu hồi được hơn 19.665 tỷ đồng tiền nợ xấu và tài sản tồn đọng, bao gồm cả lãi và gốc, trong đó có hơn 15.365 tỷ đồng là nợ xấu cần xử lý thuộc đề án tái cấu trúc.

Năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu thu hồi và xử lý thêm 15.000 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Dương Công Minh, nhà băng này còn đến 50.000 tỷ đồng nợ xấu phải xử lý, trong đó có 30.000 tỷ nợ không sinh lời.

nam 2018 sacombank uoc lai 1838 ty anh 1
Sacombank đã bắt đầu hồi phục sau khi nhận sáp nhập Phương Nam Bank vào hệ thống. Ảnh: Lê Quân.

Lãnh đạo nhà băng này cho biết thêm hiện nợ xấu nội tại ngân hàng vẫn còn cao, nhưng sẽ cố gắng đưa xuống mức 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Năm 2018, Sacombank đặt kế hoạch nâng tổng tài sản lên 430.900 tỷ, tăng 17%. Trong đó, huy động vốn đạt 399.100 tỷ và dư nợ tín dụng là 255.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 13%. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến thu về sẽ tăng 23,2%, đạt 1.838 tỷ đồng. Trong quý I/2018, ngân hàng này đã thu về khoảng 544 tỷ đồng lãi trước thuế, tương đương gần 30% kế hoạch cả năm.

Bên cạnh kế hoạch lợi nhuận, ban lãnh đạo Sacombank cũng cho biết sẽ đẩy nhanh lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, rút ngắn thời gian hoàn thành tái cấu trúc xuống một nửa chặng đường theo đề án được NHNN duyệt trước đó.

nam 2018 sacombank uoc lai 1838 ty anh 2

Cựu lãnh đạo LienVietPostBank về Sacombank

Tại đại hội, Sacombank cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch HĐQT, do ông Dũng đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ngoài ra ngân hàng cũng còn bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 -  2021 với số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới dự kiến là 7 người. Ban kiểm soát gồm 4 thành viên, trong đó có người 3 chuyên trách.

Người được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, hiện là tổng giám đốc. Trong khi đó, vị trí thành viên độc lập lại là người cũ từ LienVietPostBank, ông Nguyễn Văn Huynh.

nam 2018 sacombank uoc lai 1838 ty anh 3
Ông Nguyễn Văn Huynh, cựu lãnh đạo tại LienVietPostBank. Ảnh: LPB.

Ông Huynh chính là một trong những lãnh đạo sáng lập và gắn bó với LienVietPostBank từ những ngày đầu. Ông vừa từ nhiệm HĐQT LienVietPostBank cách đây không lâu. Hiện ông còn đảm trách một loạt vị trí lãnh đạo như thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Liên Việt; Công ty chứng khoán Liên Việt, Công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Sài Gòn và là Chủ tịch Công ty TNHH H.T.H.

Về kế hoạch chi trả thù lao cho HĐQT ngân hàng năm 2018, Sacombank dự kiến sẽ trích 2% khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế để trả thù lao cho HĐQT và BKS. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng trích 20% phần lợi nhuận hợp nhất vượt chỉ tiêu để chi thưởng cho cán bộ nhân viên.

Thu nhập người lao động Sacombank thuộc nhóm ít ngân hàng mức dưới 20 triệu đồng/tháng

Vấn đề được các cổ đông ngân hàng nhắc tới nhiều nhất tại ĐHCĐ sáng nay là cổ tức.

Nhiều cổ đông đặt câu hỏi vì sao không chia cổ tức suốt 2 năm vừa qua. Trong khi đó, ngân hàng lại trích đến 20% lợi nhuận vượt kế hoạch để chi thưởng cho nhân viên, đây là điều vô lý.

Cổ đông Nguyễn Văn Lượng ở quận Gò Vấp, đặt câu hỏi: Tại sao ngân hàng đã hoạt động ổn định trở lại, lãi suất tốt nhưng các cổ đông không được thông báo về kế hoạch cổ tức từ 2017 đến nay.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết 2 năm qua là thời gian ngân hàng tái cơ cấu sau sáp nhập. NHNN đề nghị chưa chia cổ tức thời gian này vì lợi nhuận phải sử dụng để trích các khoản dự phòng.

nam 2018 sacombank uoc lai 1838 ty anh 4
Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh (áo trắng). Ảnh: Lê Quân.

Còn về vấn đề trích 20% lợi nhuận vượt kế hoạch chi thưởng cho nhân viên, ông Minh cho biết năm 2017, lương, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên Sacombank là 16 triệu đồng/người, gồm cả phần trích thưởng 20% lợi nhuận trước thuế. Đây là mức thu nhập thấp trong nhóm ít các ngân hàng có thu nhập nhân viên bình quân dưới 20 triệu đồng/tháng hiện nay.

“Thu nhập thấp nên cán bộ nhân viên nghỉ việc rất lớn, có tới 35% nhân sự nghỉ việc thời gian qua. Muốn giữ người lao động thì phải đẩy lương, thưởng lên xứng đáng”, vị chủ tịch chia sẻ.

Ông Minh cũng nói thêm theo đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt thì phải mất 10 năm mới tái cơ cấu, xử lý xong nợ xấu của Sacombank, nhưng ban lãnh đạo ngân hàng đã cố gắng kéo xuống 5 năm. Nếu muốn có lợi nhuận thì phải có người lao động để làm ra, và giữ lao động là mục tiêu lớn mà HĐQT đặt ra.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng khoản trích 20% lợi nhuận vượt kế hoạch là để lập quỹ phúc lợi hỗ trợ người lao động. Nghe 20% là lớn nhưng chia ra gần 20.000 lao động thì mỗi người chỉ được khoảng nửa tháng lương, trong khi nhiều ngân hàng khác người ta đã thưởng 5-7 tháng lương rồi.

"Cổ đông không đợi được cổ tức thì có thể bán cổ phiếu"

Chủ tịch Sacombank chia sẻ với cổ đông trên cơ sở kết quả làm ăn tốt, lợi nhuận tăng, HĐQT sẽ kiến nghị NHNN nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp, có thể trong năm nay hoặc chậm nhất là 2019 sẽ có kế hoạch trích  lãi chia cổ tức cho cổ đông.

Ông Minh nói rằng cổ đông có 2 lựa chọn: Nếu lấy cổ tức thì phải chờ theo quy định khi ngân hàng hoàn thiện tái cơ cấu. Nhưng việc này thì phải có thời gian 3-5 năm. Cách thứ hai là hiện cổ phiếu STB đã tăng, cổ đông có thể bán lấy lãi, và chọn những cơ hội khác tốt hơn.

Đáp lại trả lời này, cổ đông Lê Thị Kim Cúc phản ứng, cho rằng Chủ tịch Sacombank coi thường, xúc phạm cổ đông. "Mang tiền đi đầu tư, ít nhiều chúng tôi cũng muốn có lãi, để an ủi mình. Đừng nói với chúng tôi như vậy là thể hiện sự coi thường nhà đầu tư", bà Cúc nói.

Trước bức xúc của cổ đông, ông Dương Công Minh trần tình đây cũng là chia sẻ thật của mình với thực tế 6 tháng điều hành ở ngân hàng. Nhà đầu tư đến với Sacombank có những người đi từ đầu xây dựng ngân hàng và có những người đầu tư cổ phiếu kiếm lời. Những cổ đông đi từ đầu không có cổ tức làm ông rất áy náy. Còn những người đầu tư cổ phiếu kiếm lời thì thực tế có cơ hội chốt lời thì họ bán chốt lời là hiển nhiên.

"Tôi cũng là nhà đầu tư ở Sacombank, tôi là chủ lớn ở đây, tôi cũng mong muốn có lãi lấy cho mình chứ. Nhưng trong điều kiện hiện tại muốn bức lên cũng không được. Tôi khẳng định với cổ đông sẽ xử lý xong nợ xấu trong 3-5 năm tới, nên mong cổ đông kiên nhẫn đợi. Nếu không làm được thì tôi sẽ ra đi", ông Minh nói.

nam 2018 sacombank uoc lai 1838 ty anh 5
Nguồn: VNDirect.

Bán tài sản liên quan ông Trầm Bê, Sacombank cho bên mua trả góp 7 năm

Ngân hàng này chỉ nhận về 920 tỷ đồng tiền mặt trong tổng giá trị 9.200 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3 khu đất có liên quan tới ông Trầm Bê. Số còn lại cho phép đối tác trả chậm.

Phó chủ tịch Kiều Hữu Dũng xin rời Sacombank

Chiều tối 22/3, Sacombank (STB) công bố Nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực.






Hoàng Thanh

Bạn có thể quan tâm