Nhiều năm qua, cứ mỗi khi Tết về, người dân quận 5 lại thấy một ông đồ tóc bạc cặm cụi bên bàn mực Tàu và giấy đỏ. Đó là ông Trương Kiến Quốc (76 tuổi, ngụ quận Thủ Đức), tên thường gọi là ông Sáng. |
Khách mua chữ nhiều năm, thế nhưng ít ai biết ông Sáng đã khởi nghiệp với nghề viết chữ thuê này khi mới 13 tuổi. Thưở nhỏ, ông vừa dạy kèm vừa viết chữ bán để dành tiền đi học. Khó khăn, cơ cực đi qua, cậu thiếu niên ngày xưa đã trở thành một thầy đồ với tay nghề lão luyện. Nhiều người thời ấy gọi ông là "thần đồng thư pháp". |
Chị Thục (ngụ trên đường Ngô Gia Tự, quận 10), là khách quen đến mua chữ của ông Sáng hơn 20 năm qua. Tết nào chị cũng tìm ông nhờ viết chữ để dán tường nhà, cầu mong thuận lợi trong công việc. |
Riêng trên con đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), ngày xưa có đến hơn 20 ông đồ ngồi rải rác. Nhưng đến nay chỉ còn lại 3 người theo nghề, trong đó, ông Sáng ở lại với nghề lâu nhất. |
Trong hồi ức nhiều người, hình ảnh thầy đồ luôn gắn liền với áo dài khăn đóng, họ thường trải chiếu tre và ngồi viết chữ bên ven đường. Thế nhưng với ông Sáng, biểu tượng thiêng liêng luôn khiến ông tự hào khi nhắc đến là cây bút khổng lồ có tên Cẩn Thiên Bút. Ông quan niệm Cẩn Thiên Bút đại diện cho sự cao thượng của người cầm bút, nếu thấy bút ở đâu thì có ông đang viết chữ ở đó. |
Loại mực đặc biệt ông Sáng dùng để viết chữ phải tự pha từ các nguyên liệu như xăng thơm, keo bóng, bột nhũ kim và dầu làm khô mực. |
Anh Cường (26 tuổi, ngụ Đồng Nai) là cháu họ của ông Sáng. Cứ đến tháng Chạp hàng năm, anh lại lên thành phố để phụ ông những ngày Tết. |
Nghề viết thư pháp vất vả là thế, ở cái tuổi 76 này thay vì ở nhà đón năm mới thì năm nào ông Sáng cũng chộn rộn với mớ giấy chữ đến tận đêm 30 Tết và lọc cọc trở về nhà khi kim đồng hồ đã chạm 2h sáng mùng 1. Sống với nghề hơn một đời người, thế nhưng chưa lúc nào ông lão ngơi nghỉ sáng tạo con chữ. |
Loại chữ thư pháp ông Sáng sử dụng là chữ Hán phồn thể. |
Sau khi viết nháp chữ ra giấy, ông cẩn thận gấp nếp giấy để chia bố cục cho từng chữ. Mỗi nếp gấp sẽ tạo thành một ô và chữ sẽ nằm gọn trong ô vuông đó. |
Chị Trương Như Ngọc (47 tuổi, con gái của ông Sáng) nhiều lần khuyên ông Sáng bỏ nghề vì thấy cha đã lớn tuổi. Thế nhưng ông lão vẫn tiếp tục gắn bó với nghề cho đến nay. |