Sáng 21/8, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã có thông cáo bằng văn bản đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Theo đó, Chủ tịch công ty - ông Đặng Thành Tâm - cho biết: "Gần đây có những thông tin có khả năng gây thiệt hại cho cổ đông của doanh nghiệp", khiến cổ phiếu KBC dư bán sàn tới 6 triệu đơn vị.
Nhằm giúp cổ đông, nhà đầu tư hiểu được tình hình của công ty, Chủ tịch KBC cho biết, đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu trong thời gian 30 ngày. Đồng thời, KBC cũng chuẩn bị ký các hợp đồng thuê đất ước tính khoảng 20 ha, tương đương hơn 300 tỷ đồng.
Do khách hàng của KBC chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nên KBC là một trong những đối tượng được hưởng lợi do USD tăng giá. "Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tăng bao nhiêu %, KBC cũng được hưởng lợi bấy nhiêu %", ông Tâm khẳng định.
Riêng về các khoản nợ của doanh nghiệp, KBC cho biết đã cơ cấu lại và được chấp thuận gia hạn 3-5 năm. "KBC là công ty có vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI của Việt Nam. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong hệ thống các khu công nghiệp của KBC. Vì vậy, việc đảm bảo ổn định cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu, để đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam", thông cáo này nêu rõ.
Tính tới ngày 21/8, cổ phiếu KBC đã có 9 phiên không tăng giá, trong đó 2 phiên gần nhất đều giao dịch ở mức giá sàn, và liên tục dư bán hàng triệu đơn vị. Các cổ đông của KBC đã mất khoảng 20% giá trị tài khoản đầu tư, khi nắm giữ cổ phiếu này chỉ sau gần 2 tuần giao dịch.
KBC hiện cũng là doanh nghiệp bất động sản niêm yết, có tổng giá trị tồn kho tính đến cuối quý II cao nhất cả nước, với hơn 8.000 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án khu công nghiệp và nhà thu nhập thấp.