Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường tài chính Việt Nam rung lắc mạnh theo tỷ giá

Chịu tác động từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, thị trường tài chính Việt Nam đã biến động mạnh trong ngày 12/8. Đồng NDT mất giá có tác động hai chiều đến Việt Nam.

Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ (NDT) khiến Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh cùng châu Á

Chốt phiên 12/8, chỉ số VN-Index giảm 8,81, tương đương 1,44%, xuống mức 604,24 điểm. Bên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất 1,09 điểm, tương đương 1,3%, xuống còn 82,75 điểm.

Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá sáng 12/8 chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Tiến Long

“Nhà đầu tư lo ngại tác động tiêu cực từ tỷ giá tới hoạt động doanh nghiệp niêm yết. Theo nguyên tắc thì tỷ giá Việt Nam điều chỉnh xuống sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được lợi. Nhưng nếu ở các thị trường mà đối thủ của hàng xuất khẩu Việt Nam là hàng TQ thì hàng mình vẫn thua như thường”, ông Lân đánh giá.

Trên các sàn chứng khoán ở TP HCM từ sáng 12/8, hầu hết các câu chuyện bàn tán trên sàn của giới đầu tư đều chỉ tập trung vào động thái phá giá NDT của TQ, và bước đi nâng biên độ dao động của Việt Nam.

“Biến động này cực lớn và để đảm bảo an toàn, tôi sẽ bán ra một phần cổ phiếu đang nắm giữ, dù biết bán trong phiên giảm điểm thế này thiệt hại về giá nhiều”, ông Phùng Mạnh Hùng, nhà đầu tư trên sàn chứng khoán MB ở quận 1, TP HCM, cho biết

Tác động cả hai chiều tới Việt Nam

Trên thực tế, kinh tế Việt Nam vốn có quan hệ xuất nhập khẩu rất lớn với Trung Quốc, nên tác động trước mắt khi đồng NDT mất giá được dự báo là rất đáng kể. Về lý thuyết, nội tệ TQ mất giá sẽ giúp hàng TQ rẻ hơn khi sang Việt Nam, và sẽ có lợi thế hơn hàng nội địa của Việt Nam ngay tại sân nhà.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2015, TQ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước. Do lượng hàng giá rẻ hơn từ TQ sang thị trường Việt Nam sẽ là sức ép với doanh nghiệp nội địa.

Chưa hết, ngay cả hàng VN ra ngoài cũng không thoát sức ép đó. Theo ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), việc TQ phá giá khiến Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá sáng 12/8 chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới cả các DN xuất nhập khẩu, đặc biệt là DN Việt nào đang cạnh tranh với DN Trung Quốc ở một thị trường nào đó.

“Trên thị trường quốc tế, hàng Trung Quốc sẽ rẻ tương đối so với hàng Việt Nam cũng như các nước khác. Hàng Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn về giá so với các nhà xuất khẩu hàng hóa từ phía Trung Quốc”, ông Trà nhận định.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2015, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính đạt 18,9 tỷ USD; tiếp đến là EU đạt 17,8 tỷ USD; ASEAN đạt 10,7 tỷ USD. Và đây cũng chính là những thị trường chính của các DN Trung Quốc hiện nay, do vậy hàng Việt Nam sắp tới sẽ phải cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường chính nói trên.

10 trung tâm tài chính tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Châu Á và châu Phi đang nổi lên với những thị trường tài chính có tốc độ tăng trưởng cao, theo thông tin từ BusinessInsider.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150812/thi-truong-tai-chinh-viet-nam-rung-lac-manh-theo-ti-gia/947979.html

Theo Hồng Quý/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm