Câu 1: Tiểu thuyết "Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên" của nhà văn Hữu Mai viết về nhà tình báo nào?
Tiểu thuyết Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên của nhà văn Hữu Mai viết về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ (Hai Long), nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969. Tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình Ông cố vấn, quay và chiếu vào những năm cuối thập kỷ 1990, do chính Hữu Mai chuyển thể kịch bản, kiêm giám đốc sản xuất, đạo diễn Lê Dân. |
Câu 2: Nhà văn Hữu Mai có bao nhiêu đầu sách đã xuất bản?
Trong khoảng 60 năm cầm bút, nhà văn Hữu Mai để lại hơn 60 đầu sách đã xuất bản, trong đó hầu hết viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Một mảng đề tài quan trọng trong sáng tác của nhà văn đó là những trang hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết hồi ức Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1964 với Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ; tới 1966 lại ra mắt hồi ký Từ nhân dân mà ra, rồi Những năm tháng không thể nào quên (1970)… |
Câu 3: Bản thảo ban đầu tiểu thuyết tình báo Ván bài lật ngửa tên là gì?
Tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm được nhà văn Trần Bạch Đằng viết vào đầu những năm 1980, ký bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý. Sau đó, tác phẩm được chính nhà văn chuyển thể thành kịch bản bộ phim điện ảnh dài 8 tập mang tên Ván bài lật ngửa, do đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) thực hiện. Do bộ phim quá thành công nên nhà văn lấy luôn tên tác phẩm văn học là Ván bài lật ngửa, thay vì tên gốc Giữa biển giáo rừng gươm. |
Câu 4. Tiểu thuyết Ván bài lật ngửa viết về nhân vật có thật nào?
Tiểu thuyết kể về nhân vật có thật - anh hùng Phạm Ngọc Thảo, với biệt danh “Chín T”. Ngay tại cuốn sách, tác giả đã đề tặng: “Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng”. Chính nhà văn Trần Bạch Đằng từng giải thích Chín T, tức là Chín Thảo (Phạm Ngọc Thảo). |
Câu 5: Ai là tác giả tiểu thuyết X 30 phá lưới?
Nhà văn Đặng Thanh có nhiều năm hoạt động chuyên trách ngành phản gián và đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Tác phẩm X.30 phá lưới của ông nổi tiếng trên văn đàn thập niên 70-80 thế kỷ trước. Tác phẩm viết về nhà tình báo Phan Thúc Định, với bí danh X 30. |
Câu 6: Nhà văn Đặng Thanh có bao nhiêu tiểu thuyết tình báo?
Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Đặng Thanh viết 12 tiểu thuyết tình báo, phản gián. Tác phẩm đầu tay là Cất vó đăng dài kỳ trên báo Thời mới vào năm 1960, sau đó in thành sách. Lần lượt sau đó là những tác phẩm: X 30 phá lưới, Đọ sức, Lần theo chuỗi hạt, Lá thư vĩnh biệt của Jacquenline, Tấm bản đồ thất lạc, Nữ điệp viên Sao Chămpa, Sự thật về X 30… |
Câu 7. Tác phẩm nào của nhà văn Nguyền Trần Thiết dựa trên câu chuyện có thật của thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức?
Tiểu thuyết Ông tướng tình báo và hai bà vợ của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết dựa trên câu chuyện có thật của vị anh hùng tình báo, thiếu tướng Đặng Trần Đức, tức Ba Quốc. Ngoài những chi tiết hấp dẫn về cuộc chiến tình báo, cuốn sách còn hấp dẫn người đọc với câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình của nhân vật Hai Lâm với một bà vợ phải chia tay chồng ở lại miền Bắc và một bà vợ ở trong Nam, đặc biệt là hoàn cảnh gia đình họ sau khi nước nhà thống nhất. |