Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ tôn Hoa Sen và chuyện khởi nghiệp với 2 chỉ vàng

Chỉ với 2 chỉ vàng làm vốn, ông chủ tập đoàn Hoa Sen khởi nghiệp kinh doanh bằng một cửa hàng nhỏ bán tôn, thu về số tiền lãi 650.000 đồng.

Năm 2013, công ty của ông chủ bán tôn ngày nào đạt lợi nhuận hơn 580 tỷ đồng sau kiểm toán. Quý 1/2014, công ty đạt tổng doanh thu 3.334 tỷ đồng, đem về cho khoản lãi ròng 103 tỷ đồng.

Hiện ông đang nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG, tương đương gần 2.443 tỷ đồng và là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán, sau sự kiện Tôn Hoa Sen bỏ ra 32 tỉ đồng tổ chức sự kiện đưa Nick Vujicic đến Việt Nam vào hồi tháng 5/2013.

Khởi nghiệp từ hai chỉ vàng và niềm tin nơi người khác

Như sự sắp đặt của số phận sau bao năm bôn với cuộc sống, ông và gia đình đã phải sống rất vất vả. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuật lập nghiệp. Nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi sau 2 tháng thay đổi. Trở lại Sài Gòn lần hai, thất bại không làm Lê Phước Vũ nản lòng.

Con đường kinh doanh đến với Lê Phước Vũ hoàn toàn tình cờ. Ban đầu, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của CTCP Gỗ Đức Thành hiện nay, đang niêm yết tại HOSE với mã GDT). Trong thời gian này, ông tình cờ gặp gỡ Giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quý mến sự thật thà, tư chất thông minh và đặc biệt ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Việt, vị Tổng Giám đốc nọ gợi ý cho Lê Phước Vũ thử tự kinh doanh.

Ông chủ tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ.

Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay - số tiền gia đình ông tích lũy sau nhiều năm bôn ba, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Ông kể lại vẫn nhớ như in vào ngày 18/5/1994, vợ chồng ông nghẹn ngào, mừng tủi nắm trong tay số tiền lãi 650.000 đồng, số tiền lớn nhất vợ chồng có được tính đến thời điểm đó qua 10 năm vất vả, bôn ba.

Sau 3 năm kinh doanh, ông Vũ nhận thấy cửa hàng hoạt động không còn hiệu quả, đánh liều ông vay mượn khắp nơi mở một xưởng cán tôn. Thời gian đầu ông gặp không ít khó khăn, vì phải chạy vạy lo tiền thanh toán trả góp máy móc thiết bị, lương nhân viên, áp lực cạnh tranh…

Ông Lê Phước Vũ trong buổi gặp với Nick Vujic.

Nhiều lúc tưởng chừng như xưởng của ông ngấp nghé bên bờ vực phá sản, nhưng chữ "nhẫn" mà ông học được từ triết lý phật giáo đã giúp ông bình tĩnh giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhất, cũng từ đó công việc làm ăn của ông ngày càng thuận lợi hơn. Khi có một lượng khách hàng ổn định, ông Vũ quyết tâm mở rộng thêm nhiều xưởng tôn khác, vừa làm, vừa học để tích lũy kinh nghiệm về công nghệ sản xuất mới, cũng như cách thức quản trị kinh doanh. Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao... Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả... để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam. Và ông đã gặt hái được rất nhiều thành công sau những cố gắng không ngừng nghỉ của mình.

Ai cũng có thể biện cho mình một lý do kinh doanh, nhưng riêng ông có một quan điểm kinh doanh rất đáng trân trọng: "Khi kinh doanh tôi tuyệt đối không dùng kỹ xảo, thủ đoạn, bởi tôi tin khởi nghiệp xuất phát từ tinh thần đúng sẽ tạo nên phong cách chuẩn mực, tạo được niềm tin nơi người khác", ông chia sẻ.

Kinh doanh gắn liền với trực giác và kiến thức

Với ông, khi làm kinh doanh, việc đầu tiên là phải xác định được mục tiêu của mình sao cho phù hợp, để từ đó có hướng phát triển tốt nhất mà hiệu quả nhất. "Những doanh nghiệp lâu năm, trong bối cảnh này đều phải cố gắng tự điều chỉnh. Có như vậy cơ hội mới có thể mở ra. Hẳn các bạn trẻ sẽ thắc mắc, làm thế nào để doanh nhân có thể nhận biết cơ hội mà nắm bắt kịp thời. Câu trả lời rất đơn giản: bằng trực giác. Do đó, không nên nhìn sự việc qua hiện tượng, mà nên xem xét bản chất của sự việc. Và trực giác tốt luôn đi kèm với kiến thức" - ông nói.

Trong khi đó trong quá trình kinh doanh, người trẻ nên tự hỏi xem tiền bạc là mục tiêu hay phương tiện? Nếu xem tiền bạc là mục tiêu, người trẻ sẽ dễ bất chấp phương tiện. Thực chất, người làm kinh tế là người mang lợi ích đến cho cộng đồng. Và trên thực tế, doanh nhân Việt Nam chịu rất nhiều áp lực. Các nước khác đều đã hoàn thiện về mặt chuẩn mực, nhân lực cũng có chất lượng cao, làm kinh tế do vậy cũng nhiều thuận lợi. Nên đòi hỏi người là kinh doanh phải hết sức tinh tế và đặt ra được những mục tiêu sao cho hiệu quả nhất.

"Tuy nhiên, khó khăn nhất cũng chính là cơ hội, bởi khi trật tự đã được xác lập thì rất khó để khởi nghiệp. Ở Việt Nam, rõ ràng còn nhiều cơ hội dành cho người biết nhìn ra cơ hội. Đặc biệt, khó khăn hiện tại cũng là giai đoạn tốt nhất cho những người khởi nghiệp tham gia thương trường. Tuy nhiên, cũng đừng quá ảo tưởng, mà phải biết dấn thân" - ông chia sẻ.

http://seatimes.com.vn/Le-Phuoc-Vu-va-cau-chuyen-khoi-nghiep-voi-2-chi-vang-0189193.html

Theo Thời báo Đông Nam Á

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm