Tình trạng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại trong năm nay, kết hợp với việc chính quyền nước này siết chặt các công ty công nghệ đang khiến nhiều tỷ phú trong nước chứng kiến khối tài sản ròng sụt giảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, có một vị tỷ phú vẫn biết cách xoay xở để vượt qua các đối thủ và kiếm được số tiền khổng lồ 15 tỷ USD.
Tỷ phú Hoàng Tranh (Colin Huang) - nhà sáng lập trang thương mại điện tử Pinduoduo - hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 từ mức 9 tỷ USD vào năm 2021.
Theo Forbes, ông Hoàng hiện là người giàu thứ 4 ở Trung Quốc, đứng trên hai tỷ phú nổi tiếng khác là nhà sáng lập Alibaba Jack Ma và CEO Richard Liu của JD.com.
Tỷ phú Hoàng Tranh - nhà sáng lập Pinduoduo - từng là người mất nhiều tiền nhất thế giới trong năm ngoái. Ảnh: Forbes. |
Được biết, giá trị khối tài sản ròng của ông tăng mạnh nhờ việc giá cổ phiếu Pinduoduo phục hồi nhanh hơn các công ty khác cùng ngành. Cụ thể, giá cổ phiếu của sàn thương mại điện tử này đã tăng hơn 200% kể từ mức thấp nhất hồi tháng 3 - thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc suy yếu.
Chiến lược phát triển thông minh trong thời kỳ kinh tế suy yếu
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá cổ phiếu Pinduoduo tăng mạnh như vậy là vì nền tảng này đã thành công trong việc thu hút rất nhiều người dùng bằng những sản phẩm giá rẻ của mình.
Cô Estelle Zhang (34 tuổi) - làm việc tại một ngân hàng ở Bắc Kinh - chia sẻ rằng mình thường xuyên sử dụng Pinduoduo trong thời gian này vì những sản phẩm trên đây có giá rẻ hơn các sàn khác. Cách đây 2 ngày, Zhang vừa mới mua 2 kg chanh trên Pinduoduo với giá chưa đến 3 USD, rẻ hơn cả giá bán tại các siêu thị địa phương.
Hiện tại, Pinduoduo đang đầu tư nhiều hơn để kết nối trực tiếp nông dân với người mua sắm, giúp cho người nông dân buôn bán thuận lợi hơn mà người tiêu dùng cũng tiếp cận được mức giá rẻ hơn. Hơn nữa, đây còn là một lĩnh vực mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hết sức khuyến khích.
Nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn này, quý III/2022, công ty đã vượt qua kỳ vọng của thị trường và báo cáo doanh thu tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 35,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5 tỷ USD) - đánh dấu ba tháng tăng trưởng thần tốc sau khi doanh số bán hàng tăng 36% trong giai đoạn trước.
Nhận xét thêm về điều này, ông Shawn Yang - CEO của công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors - cho biết: "Các nền tảng thương mại điện tử đang được hưởng lợi rất nhiều từ môi trường hiện tại, do nhiều nơi bị phong tỏa vì Covid. Tuy nhiên, Pinduoduo lại có chính sách riêng để kết nối trực tiếp với người nông dân khiến cho sản phẩm của họ có giá tốt hơn rất nhiều. Hơn hết, cách làm này còn mang lại cho họ cả danh tiếng, uy tín lẫn sự ưu đãi của Chính phủ".
Mục tiêu phát triển lâu dài
Ngoài những phân tích trên, ông Yang cũng cho rằng bối cảnh kinh tế hiện tại sẽ tiếp tục có lợi cho Pinduoduo trong vòng ít nhất 2 quý tới, vì bất cứ sự hồi phục hay mở cửa nền kinh tế nào cũng cần có thời gian chuyển đổi.
Pinduoduo đã hưởng lợi nhiều khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại. Ảnh: The Business of Fashion. |
Tuy nhiên, ông cũng cho biết các nhà chức trách Trung Quốc mới đây đã bày tỏ quyết tâm vực dậy ngành bất động sản, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuần qua còn công bố chính sách "16 điểm" bao gồm các biện toàn diện để hỗ trợ thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành nghề khác ít liên quan đến bất động sản như nông nghiệp hay thương mại điện tử sẽ ít được quan tâm và hỗ trợ hơn trước.
Trong khi đó, Pinduoduo cũng tiết lộ rằng tốc độ tăng trưởng cao hiện tại không thể kéo dài mãi. Các giám đốc điều hành sàn thương mại điện tử này cho biết rằng một số dự án của công ty đã không được triển khai đúng hạn trong quý III, dẫn đến các khoản chi phí trong quý giảm và làm tăng lợi nhuận vượt mức thực tế. Khoản chi phí này có thể được ghi vào quý IV và lợi nhuận trong quý sẽ giảm đi.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nhất là với các ngành nông nghiệp và công nghiệp chế tạo dù điều này có thể gây ra biến động về lợi nhuận trong tương lai", người đại diện của Pinduoduo cho biết.
Ngoài ra, sàn thương mại này cũng đang đặt cược thêm vào thị trường nước ngoài. Vào đầu tháng 9 vừa rồi, công ty đã cho ra mắt nền tảng mua sắm Temu ở Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với gã khổng lồ Amazon và nền tảng cùng quê Shein.
May mắn rằng tình hình mở rộng có vẻ rất tích cực, vì trong tháng 11 này, Temu đã đứng đầu trong số những ứng dụng mua sắm được tải xuống tại Mỹ.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế