Ngân hàng Nhà nước mới đây đã cho phép SHB tăng vốn điều lệ từ hơn 12.000 tỷ đồng hiện nay lên 14.550 tỷ thông qua việc chi trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Thông qua quyết định này, SHB dự kiến phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ theo mệnh giá) để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20,9% (mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu SHB nhận thêm 209 cổ phiếu mới).
Nguồn vốn dùng để phát hành sẽ là lợi nhuận chưa phân phối giữ lại đến năm 2018.
Trước đó, cơ quan quản lý cũng đã cho phép nhà băng này tăng thêm 3.000 tỷ vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua.
SHB sẽ phát hành gần 300,8 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông hiện hữu, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng theo mệnh giá để tăng vốn.
Như vậy, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu này, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm khoảng 5.500 tỷ, đạt hơn 17.500 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ này cũng giúp ngân hàng của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển) trở thành nhà băng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 8 trong hệ thống sau 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và Techcombank, VPBank, MBBank.
Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nhiều ngân hàng tăng vốn để đáp ứng hệ số CAR theo chuẩn Basel II. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tại đại hội cổ đông trước đó, cổ đông SHB đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 5.534 tỷ đồng với mục đích chính để đạt chuẩn Basel II bắt đầu phải áp dụng từ năm 2020.
Ngoài SHB, BacABank và NamABank cũng vừa được NHNN cho phép tăng vốn để đáp ứng các điều kiện an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn này.
Trong đó, BacABank được chấp thuận tăng vốn lên mức 6.500 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với hiện tại. Còn NamAbank được cho phép tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng.
Cuối tháng 8, SeABank của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga cũng đã phát hành 168 triệu cổ phiếu (tương đương 1.680 tỷ đồng theo mệnh giá) để tăng vốn lên hơn 9.369 tỷ đồng.
Với hình thức tăng vốn chủ yếu qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Chính những ông chủ hiện tại của ngân hàng sẽ phải chi tiền túi để mua cổ phiếu và tăng vốn cho ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, ông chủ tại nhiều ngân hàng khác đã rót thêm hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn vào các ngân hàng như ABBank, Lienvietpostbank, MBBank, VIB, OCB…
Theo quy định tại Thông tư 41/2016, kể từ ngày 1/1/2020, tất cả ngân hàng thương mại phải đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II là 8%.
Hiện tại, trong hệ thống có 18/34 ngân hàng đã đáp ứng tiêu chuẩn này gồm Vietcombank, MBBank, Tecombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, Vietbank, Vietcapital bank, SeABank, Shinhanbank, Lienvietpostbank, NamABank, Standard Chartered Bank Việt Nam và BIDV.
Tuy nhiên, hiện mới có duy nhất VIB hoàn thành cả 3 trụ cột theo tiêu chuẩn này gồm: đáp ứng an toàn vốn tối thiểu 8%; đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP); và minh bạch, công bố thông tin đầy đủ và thường xuyên theo chuẩn thế giới.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng khẳng định các ngân hàng đạt chuẩn Basel II sớm sẽ được áp dụng cơ chế cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác trong hệ thống.
Trong bối cảnh 70-80% lợi nhuận các ngân hàng trong nước vẫn đến từ tín dụng, việc được cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn.