Ông chủ khiếm thị điều hành xưởng bún lớn nhất xứ Nghệ
Tuy mù bẩm sinh nhưng anh Dũng (xã Nghi Liên, thành phố Vinh, Nghệ An) lại có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm nhờ việc tự vận hành xưởng bún gia đình.
Những ngày đầu làm kinh tế, anh Dũng và vợ chỉ lấy bún từ các cơ sở sản xuất bún để đổ mối ở chợ. Nhưng thu nhập chẳng đáng là bao khiến anh nghĩ đến việc tìm học nghề làm bún. Sau gần một tháng học nghề, nắm vững các kĩ thuật làm bún, Dũng vay mượn họ hàng được gần 15 triệu mua máy móc và các thiết bị để mở cơ sở sản xuất tại nhà. Khi đó máy móc còn thô sơ nên chủ yếu bún đều được làm bằng cách thủ công.
Anh cho biết, để làm được sợi bún ngon thì những yếu tố như nguồn nước và khâu chọn gạo là quan trọng hàng đầu. Trong lúc đó giếng nước của gia đình lại bị nhiễm phèn, Dũng phải đi khắp làng tìm nguồn nước ngon và sạch, quyết định bỏ tiền thuê nguồn nước ngon nhất tìm được để làm đường ống dẫn về phục vụ sản xuất.
Không chỉ có thu nhập cáo từ nghề làm bún, anh Dũng còn tích cực chăn nuôi, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho gia đình mỗi năm. |
Những ngày mới lập nghiệp vợ chồng ông chủ cơ sở bún gặp rất nhiều khó khăn. Hai vợ chồng phải chở nhau ra các chợ trong và ngoài thành phố để bán chào hàng. Có khi bún làm ra không bán hết, tiền vốn bị thâm hụt không đủ tiếp tục sản xuất, máy móc đình trệ mấy ngày liền. Dũng không nản, bàn với vợ cố vay mượn thêm để mua gạo làm tiếp. Dần dần nhờ chịu khó đạp xe từ sáng đến khuya bán hàng ở nhiều chợ khác nhau nên số lượng bún bán ra đã nhiều và đều hơn.
Sau một thời gian làm bún thủ công, Dũng nhận thấy những sợi bún làm bằng tay không ngon bằng bún làm bằng máy móc, lại tốn thời gian và công sức gấp nhiều lần, thị trường lại không ưa chuộng. Do đó, anh bàn với vợ vay mượn thêm tiền sắm các loại máy hiện đại nhằm cải thiện công nghệ. Vợ chồng mạnh dạn vay ngân hàng, thậm chí vay cả bên ngoài với lãi suất cao để đầu tư làm ăn, lúc đầu vay được 50 triệu mua một máy liên hoàn, sau đó vay tiền mua tiếp máy xay bột và máy vắt bột khô trị giá 26 triệu đồng.
Tuy nhiên khi đưa vào sản xuất lại gặp phải một khó khăn chưa lường đến là nguồn điện đang dùng quá yếu không thể vận hành được các máy móc trên. Toàn bộ mẻ bún đầu tiên bị hỏng do điện quá yếu, thiệt hại mất 10 triệu đồng. Không nản chí, anh Dũng tiếp tục vay thêm 33 triệu nữa để bắc dòng điện 3 pha phục vụ sản xuất.
Từ khi có nguồn điện mạnh, cơ sở sản xuất bún của anh bắt đầu cho ra lò những mẻ hàng đẹp, được khách hàng ưa chuộng do chất lượng tốt và đảm bảo vệ sinh. Anh cho biết, hiện nay loại máy sản xuất bún liên hoàn cơ sở anh đang dùng là lớn nhất tại Nghệ An. Khi được hỏi làm thế nào anh có thể vận hành các máy móc và sửa chữa thiết bị khi đôi mắt không nhìn thấy, anh Dũng cười hiền nói: “Ông trời lấy của tôi đôi mắt thì lại bù đắp cho tôi có một khả năng cảm nhận mọi vật bằng tay rất tốt. Bàn tay chính là đôi mắt của tôi”.
Sau khi đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, để có đầu ra ổn định hai vợ chồng lại lặp lại hành trình chở bún đi chào hàng khắp các khu chợ lớn và các nhà hàng ở TP Vinh. Nhờ thực hiện đúng quy trình kĩ thuật và có sự chăm chút đặc biệt từ nguồn nước đến chọn gạo, sợi bún của gia đình anh Dũng vừa trắng trong, vừa dai, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên khách hàng đặt mua ngày càng nhiều.
Hiện nay cơ sở của anh chị sản xuất bình quân mỗi ngày 5 tạ bún, thu nhập một tháng hơn 10 triệu đồng. Không những thế anh Dũng còn tận dụng các phế phẩm trong quá trình làm bún để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trung bình hàng năm đàn lợn thịt xuất chuồng gần 50 con, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Không những nhanh chóng trả hết nợ, gia đình anh đã vươn lên thành hộ khá giả trong vùng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
“Đối với một người bình thường khi làm kinh tế gặp khó khăn một, thì đối với những người tật nguyền như tôi khó khăn gấp vạn lần. Nhưng cũng vì biết bản thân không được như người bình thường nên chúng tôi lại phải nỗ lực hết mình để có thể tự lập làm mọi công việc. Tôi tin rằng những người biết vươn lên sớm muộn sẽ có thành công, do đó tôi luôn kiên trì dù đã gặp thất bại rất nhiều lần, có những lúc vay nợ hàng trăm triệu với lãi suất cao mà việc làm ăn lại đình trệ, nghĩ lại vẫn thấy may mắn vì mình đã đủ sức vượt qua”, ông chủ xưởng bún chia sẻ.
Theo Người Lao Động