Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ khác thường của quán bar Tây đình đám Hải Phòng

Hoàng Minh Phúc là ông chủ của Factory Bar&Grill - quán bar rất đông khách ở đất cảng. Anh mở thêm quán trà không phải để kinh doanh mà chia sẻ kho cổ vật mà mình sưu tầm được.

Chúng tôi tới quán trà kiêm gallery đồ cổ, phòng tranh tại làng Kiều Sơn (Hải Phòng) của ông chủ bar Tây đình đám đất Hải Phòng vào giữa trưa. Anh Hoàng Minh Phúc đang nằm bắt chân chữ Ngũ, mắt lim dim, tay nhịp nhịp theo tiếng nhạc Trịnh từ xa vọng lại.

Quán trà Việt này do anh Phúc thiết kế theo lối kiến trúc đình cổ rộng hơn 500m2 dù mới hoạt động 5 năm nay nhưng đem tới cho khách thăm quan cảm giác nó đã ngự ở giữa làng Kiều Sơn từ lâu lắm. Mái hiên rêu phong, sàn gỗ đã tiệp màu thời gian, những vật dụng sinh hoạt cổ có tuổi từ vài chục tới hàng trăm năm bày khắp 3 gian nhà.

Quán cà phê - gallery đồ cổ được anh Hoàng Minh Phúc thiết kế như một tiểu môi trường. Ảnh: Duy Hiếu

Cả không gian mà chủ nhân gọi là tiểu môi trường được anh chia làm 3 lớp, gian chính điện nằm đón ngay cuối con đường nhỏ hẹp trải sỏi dẫn từ cổng vào, gian giữa như một thủy đình, có hào nước bao quanh nối kết với gian sau cùng bởi một cây cầu gỗ xinh xắn bắc qua “ao” hẹp.

Bờ tường gạch bao quanh nhà để chống trộm nhưng bị chủ nhân giấu khuất dạng bởi cây leo phủ kín. Hoàng Minh Phúc chia sẻ, anh thiết kế “ngôi đình” này theo kiểu “ngăn nhưng không cách, che nhưng không chắn”. Ô cửa sổ thay cho cả một mảng tường ngăn cách giữa 2 gian nhà phản chiếu bóng ao, cây, mang đến cho người thưởng trà cảm giác có vườn trong nhà, nhà ở trong vườn.

Phong cách kiến trúc "nhà trong vườn, vườn ở trong nhà". Ảnh: Diệp Sa

Chậm rãi rót trà mạn vào chén tiểu mời khách, anh chia sẻ: “Quán ở Kiều Sơn này vắng khách nhất trong 3 quán có lẽ vì đoạn đường hơn 5km từ thành phố tới đây. Nhưng thường những khách từng ở đây, tha hương nhiều năm rồi trở lại Hải Phòng vẫn tới chốn này như tìm về, để nhớ lại một nếp nhà quê cũ”.

Nhìn ngắm không gian hiện tại của mình, anh Phúc cho biết, nếu năm 2010 quán lá Nam Giao (Văn Cao, Ngô Quyền, Hải Phòng) không bị bà hỏa thiêu thì có lẽ nhiều khách tha hương đã có thêm một "chốn đi về". Anh kể lại, trận hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản giá trị, nhiều cổ vật anh dày công sưu tầm, tiền đền tổn thất cho các nhà xung quanh  gấp nhiều lần tổn thất của quán. "Nhưng cái gì đã đi qua tôi cũng không muốn truy tới cùng nguyên do. Điều cần làm là mình sẽ xây tiếp một công trình mới thế nào".

Mở quán trà nhưng chủ nhân tự nhận không phải để kinh doanh, mà mục đích chính là để có nơi tích trữ và không gian chia sẻ kho đồ sinh hoạt cổ xưa được anh nhặt nhạnh từ nhiều vùng miền trên cả nước trong hơn 20 năm nay. Trong hàng trăm món đồ xưa lớn nhỏ tại đây, có những cái được anh cất giữ từ bé, giá trên thị trường không lớn nhưng với anh là vô giá. “Mua đồ cổ, chơi đồ là một chuyện, hiểu và cảm được về nó lại là chuyện khác. Có người bỏ ra vài tỷ đồng rồi hoan hỉ vì sở hữu được món đồ quý nhưng có biết đâu mất cả gia tài cũng chỉ để làm cái việc giữ hộ cho người. Mỗi món đồ xưa chứa đựng trong đó cả tầng văn hóa của bao thế hệ cha ông, sở hữu sao được!”

Mỗi đồ cổ được anh sưu tầm, nhặt nhạnh từ nhiều vùng miền trên khắp cả nước từ 20 năm nay. Ảnh: Diệp Sa

Hoàng Minh Phúc tốt nghiệp lớp kỹ sư Kinh tế ĐH Bách Khoa Hà Nội khoảng năm 1998, 1999 rồi sau đó bảo vệ thành công MBA tại Mỹ. Anh dành những năm đầu của tuổi trẻ cho hoạt động kinh doanh bất động sản sau đó là kiến trúc, nội thất, mỹ thuật và sưu tầm đồ cổ. Sau khi lập gia đình, anh theo cả nhà định cư tại Canada, đời sống kinh tế ổn định nhưng sau đó lại bất ngờ quyết định một mình trở về Hải Phòng sinh sống. “Về đây tôi mới sống được. Ở Việt Nam, sống, kinh doanh và sáng tác, gửi tiền qua bên ấy nuôi vợ con”, anh Phúc chia sẻ. Hoàng Minh Phúc tự nhận mình là người không có thói quen ghi nhớ những mốc thời gian chính xác và cụ thể trong cuộc đời. Thay vào đó, anh lưu giữ ký ức bằng chi tiết và những ấn tượng cụ thể với từng sự vật, sự việc.

Hiện tại, anh Phúc là chủ của 2 quán trà đạo – gallery đồ cổ, 1 bar Tây nổi tiếng hút khách nhất nhì phố cảng nhờ thiết kế theo phong cách vintage Mỹ thập niên 70. Đồng thời, anh là họa sỹ theo đuổi dòng tranh tối giản trên nhiều chất liệu, đề tài khác nhau. Kinh doanh nhưng ngại nói chuyện lợi nhuận, theo đạo Phật, thích nhạc Trịnh nhưng ngoài đình quán cổ xưa còn mở bar Tây sôi động, đình đám trên phố cảng, làm chủ nhưng tự nhận mình không sở hữu tài sản nào…

Bar Tây được anh Phúc thiết kế theo phong cách vintage Mỹ thập niên 70 hút khách Hải Phòng. Ảnh: NVCC
Lý giải cho những mâu thuẫn, đối lập này, anh cho biết, đồ xưa từ những năm 60 về trước mang đậm tính nghệ thuật hơn bây giờ nên anh chọn sưu tầm. Dù thiết kế quán cà phê hay bar Tây, anh đều hướng đến sự đơn sơ, xưa cũ và tối giản. "Làm gì, cho dù là kinh doanh hay sáng tác thì với tôi tất cả đều hướng tới mục đích làm đẹp cho đời, chia sẻ với người và lan tỏa tư tưởng ấy mà thôi. Mọi thứ vật chất chỉ là phương tiện đi qua mình để tiếp tục tạo giá trị cho người hưởng. Khi tôi mất đi, quán xưa vẫn còn đó, bar vẫn còn đó thì sao dám nói là mình sở hữu chúng được”.

Anh kể, có vị khách vào bar club dòng underground hầm hố lại nhận xét đó như một ngôi chùa. Anh cho rằng vị này tinh, “Khách tới quán để có không gian được xả, được giải thoát nhưng không quá đà. Khi làm quán này, tôi muốn biến sắt thép, những thứ công nghiệp trở nên dễ thương, có tình. Khách cảm được vậy là tôi thành công”.

Factory Bar&Grill của anh Phúc luôn chật kín khách mỗi đêm nhưng lại được một khách quen ví như ngôi chùa bởi đem đến cho người tham dự cảm giác được xả, giải thoát nhưng không quá đà. Ảnh: FB
Đưa mắt ngắm nhìn đình quán Vô Thường theo phong thái tự thưởng, Hoàng Minh Phúc tâm sự, anh không có và cũng không bao giờ lên khung cho 24h mỗi ngày của mình. Ăn khi đói, vẽ tranh khi có hứng, thiết kế nội thất, kiến trúc khi nảy ra ý tưởng, thiền khi cần tĩnh tại… tất cả hoạt động được anh gói gọn sinh hoạt trong tiểu môi trường của mình.

Theo đuổi dòng tranh tối giản, anh Phúc xác định mình đang “lách trong con ngõ hẹp” bởi lượng khách chơi dòng tranh này rất ít. Tuy nhiên, dù là sở thích, là cái thú để anh “chia động từ “Sống” cho đáng một đời” thì sau cùng, là người kinh doanh, anh vẫn phải bán tranh. “Vật liệu làm tranh như toan, dầu, vải… là những vật liệu đắt nhất thế giới bây giờ. Họa sĩ cũng cần phải bán tranh chí ít để có tiền mua vật liệu, tiếp tục sáng tác. Tranh thì nhiều mức giá, đắt hay rẻ còn do người mua. Bình thường một bức vài ngàn đô với người cảm được là rẻ nhưng người dưng lại là đắt”. Anh Phúc cho biết, tranh của anh, khách chơi đồ cổ rất thích dòng sơn mài, giấy dó nhưng những khách trong hội thiền lại thích tranh tối giản. “Thường cái đơn sơ, tối giản lại chính là tiêu chí hướng tới của nghệ thuật đỉnh cao”.

Anh Hoàng Minh Phúc tại hộp đêm thiết kế theo phong cách Mỹ thập niên 70. Ảnh: NVCC

Lấy kinh doanh, hội họa, sưu tầm đồ cổ… là những niềm vui thú, Hoàng Minh Phúc chia sẻ, ở mỗi lĩnh vực, anh luôn tìm tòi cách thể hiện hướng đến những giá trị văn hóa mang tính sáng tạo và lan tỏa. “Với 500m2, tôi tạo nên một tiểu môi trường, một không gian xưa có nắng, nước, gió và ánh sáng. Mỗi ngày tôi chỉ cần ngồi thưởng trà ở một góc hiên, ngắm cảnh quanh nhà là thấy đủ. Và giả nếu không phải là 500m2 mà chỉ có 20m2, tôi cũng có thể làm một tiểu môi trường như vậy. Diện tích càng chật hẹp, thế đất càng oái oăm càng kích thích kiến trúc sư sáng tạo”.

Rót nốt chén trà cuối, lấy ngón tay trỏ chấm nước trà, vẽ vài nét trên mặt bàn cổ loang lổ màu sơn pha màu gỗ cũ, gương mặt ông chủ quán bar chợt rạng rỡ, anh khoe đã chọn được vị trí đặt thủy đình trong khu làng Việt cổ. Anh chia sẻ, hiện đang ấp ủ thực hiện xây dựng mô hình làng Việt cổ rộng hơn 3.000m2 trên đất Hải Phòng. Tất cả những hình ảnh của cuộc sống xưa sẽ được anh thể hiện lại trong công trình kiến trúc tâm huyết này. Làng sẽ có điếm, có giếng đình, thủy đình, có nhà mái tranh, có thúng mủng, chõng tre, nồi đất… “Chuẩn bị 30 năm rồi giờ tới lúc phải bắt tay vào thực hiện, xây cho đời thêm một không gian đẹp".

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm