Ông chủ FLC Group: 'Kinh doanh phải ngấm vào máu'
"Tôi sinh ra ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc một vùng quê mà trẻ con cũng đã biết kiếm tiền và buôn cả… máy bay thì đương nhiên, kinh doanh phải ngấm vào máu” - ông Quyết chia sẻ.
Năm 2012, có 2 thương vụ “niêm yết cửa sau” nổi bật là CTCP Đầu tư Alphanam sáp nhập vào CTCP Alphanam và CTCP FLC Land sáp nhập vào CTCP Tập đoàn FLC (FLC Group).
Cả 2 thương vụ này có đặc điểm chung là công bị sáp nhập đều lớn hơn nhiều so với công ty nhận sáp nhập và đều đưa ông chủ công ty vào top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Ông chủ Alphanam Nguyễn Tuấn Hải là người khá nổi tiếng trong khi chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ít được biết đến hơn. Nguyên là một luật sư, ông Quyết đã rẽ ngang sang lĩnh vực bất động sản.
Tính đến hết tháng 4/2013, ông Quyết đứng ở vị trí thứ 44 trong top những người giàu nhất TTCK Việt Nam với khối tài sản 294 tỷ đồng (tính gián tiếp qua công ty SGINVEST). Ông Quyết cũng là một trong những doanh nhân U40 giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Sinh ra trong vùng đất kinh doanh
Từ khi còn đang học ĐH Luật Hà Nội, ông Quyết đã chuyển từ ký túc xá ra thuê trọ bên ngoài để kết hợp mở văn phòng gia sư - một trong những văn phòng gia sư đầu tiên ở Hà Nội và sau đó là “đi buôn” điện thoại.
Ông Quyết đứng trong top 50 người giàu nhất TTCK tháng 4/2013. |
Thời ấy, giá cước liên lạc của VN còn rất cao so với khu vực và trên thế giới nên điện thoại được cho là mặt hàng hot, qua đó, lợi nhuận thu về cũng khá cao.
Năm 2008 FLC Group mới thành lập, nhưng FLC không phải chạy theo thời điểm “giàu xổi” của chứng khoán và bất động sản của năm đó, nó bắt nguồn từ những kinh nghiệm được đúc kết từ công ty luật SMIC.
Rủi ro pháp lý không được phép xảy ra
Những năm gần đây, nhà đầu tư nhắc nhiều đến những sai lầm trong các quyết định kinh doanh tại không ít công ty niêm yết, khiến các doanh nghiệp này rơi vào tình trạng điêu đứng, có nguy cơ phá sản. Trong số những sai lầm ấy, có những trường hợp sai lầm đến từ sự không chặt chẽ trong các hợp đồng kinh tế. Nhưng trong kinh doanh, rủi ro là điều khó tránh. Nhất là khi đứng trước một cơ hội lớn, người lãnh đạo doanh nghiệp thường bị kỳ vọng lợi nhuận trước mắt làm lu mờ những rủi ro hiện hữu.
"Chính kinh nghiệm từ SMiC, tôi có thể khẳng định, với FLC, rủi ro pháp lý là điều không được phép xảy ra, bởi chúng tôi có được sự hậu thuẫn của những “chuyên gia” trong ngành luật và được điều hành trong sự cẩn trọng tối đa của một người có thâm niên trong nghề luật.
Triết lý kinh doanh của tôi rất đơn giản: trong kinh doanh, sự cẩn trọng không bao giờ thừa. Sự cẩn trọng luôn đem lại sự an toàn pháp lý cho mọi hoạt động của tập đoàn, cho các cổ đông và đối tác”, ông Quyết chia sẻ.
Tuy nhiên, kinh doanh cũng rất cần máu liều. Chủ tịch FLC nói: "Tôi thận trọng đôi khi có phần thái quá nhưng khi cơ hội đến thì máu liều trong tôi cũng sôi sục chẳng thua kém ai.
Chẳng hạn như việc mở trường dạy nghề FLC vào đầu năm 2013 cũng vậy, khi trường đại học nhiều như “nấm sau mưa” thì nhu cầu của xã hội lại cần có trường nghề đúng nghĩa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, có lẽ, trong kinh doanh muốn thành công, con người ta cần thêm những phút giây cực liều".
FLC Group và chứng khoán FLC
Đầu năm 2008, tiền thân của FLC Group là công ty TNHH Đầu tư Trường Phú Fortune được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 18 tỷ đồng.
Quý 4/2011, FLC Group niêm yết trên sàn HNX. Trong năm 2012, công ty tiến hành sáp nhập FLC Land, tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ lên 772 tỷ đồng.
Tòa nhà chung cư - văn phòng này năm bên đường Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. |
Hiện tại, doanh thu của FLC đến chủ yếu từ bất động sản và thương mại.
Dự án được biết đến nhiều nhất của FLC là FLC Landmark Tower tại Từ Liêm, Hà Nội. Trong năm 2012, công ty đã hoàn thiện và bàn giao căn hộ cho khách hàng, ghi nhận 575 tỷ đồng doanh thu từ bán căn hộ và phí dịch vụ; đồng thời tiếp tục triển khai việc cho thuê, chuyển nhượng diện tích sàn văn phòng.
Đóng góp nhiều nhất vào doanh thu năm 2012 là hoạt động thương mại dịch vụ với doanh thu 920 tỷ. Công ty kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trong hàng không và viễn thông, VLXD, cung cấp dịch vụ thể thao, giải trí…
Năm 2010, ông Quyết đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông sáng lập của Chứng khoán Artex, nâng tỷ lệ nắm giữ lên hơn 45% và được bầu làm chủ tịch của công ty này.
Sang năm 2011, ông Quyết chuyển nhượng lại 37% cho FLC Group và Chứng khoán Artex được đổi tên thành Chứng khoán FLC (FLCS). Việc kinh doanh chứng khoán dường như không hiệu quả nên đến đầu năm 2013, FLC Group đã thoái toàn bộ vốn tại công ty này.
Cá nhân ông Quyết vẫn nắm giữ 4,7% cổ phần FLCS.
Theo Cafebiz/TTVN