Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ 8X đóng tàu khủng vươn khơi giữ chủ quyền

Sinh năm 1985, Lê Văn Sang (Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) có trong tay đội tàu đánh bắt, hậu cần “khủng” nhất miền Trung. Anh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014.

Thủ lĩnh 8X

Biển động nhẹ, trời nắng gắt. Thuyền viên trên tàu Sang Fish 01 ngon giấc sau đêm trắng bủa lưới. Sang ngồi trực sẵn trên cabin, cầm chắc bộ đàm Icom rè rẹt tiếng đầu dây chuyện trò. Ngày nào cũng thế, Sang liên tục cập nhật thông tin đất liền đến từng vị trí, tình hình thu gom của các đội tàu hậu cần đang ngang dọc Hoàng Sa. Người gầy cao, nụ cười hiền, ánh vẻ lạc quan, tin tưởng. 

Sang chạy như con thoi khắp các vị trí trên tàu Sang Fish 01 tròng trành sóng. Khi ở cabin chỉ huy, lúc hòa nhịp kéo lưới cùng bạn tàu. “Tàu mới đưa vào đánh bắt, mình phải theo sát để động viên, hướng dẫn anh em”, Sang nói.

Thuộc diện nhỏ tuổi nhất tàu, nhưng Sang được anh vợ Phan Bé - đồng chủ tàu Sang Fish 01- tin tưởng, đặt vị trí chỉ huy các hải trình cho tàu vỏ thép.

Sinh ra trong gia đình ngư dân truyền thống, Sang từng chọn ngã rẽ riêng cho mình- kinh doanh. Tốt nghiệp trường CĐ về Marketing và quản lý khách sạn ở TP HCM, Sang mở công ty tổ chức sự kiện. Cú thất bại 500 triệu đồng khiến Sang điêu đứng. Năm 2010, trở về quê nhà, Sang được cha Lê Mến rủ đi biển… chơi. Ai ngờ chất biển tiềm tàng bấy lâu dồn nén, nay như cá gặp nước. 

Sang tự nhủ: Thương trường chưa chắc khốc liệt như ngư trường và quăng thân mình vào thử thách. Học, thi lấy bằng thuyền trưởng, Sang trực tiếp làm tài công cho con tàu 90CV ngang dọc vùng biển gần bờ, manh nha nghề hậu cần. “Vùng biển rộng, ngư trường phong phú nhưng đội tàu hạn chế, thiếu tàu hậu cần, cách đánh bắt vẫn theo kiểu truyền thống, mang tính kinh nghiệm”, Sang nói.

8x dong tau vuon khoi anh 1

Thuyền trưởng Lê Văn Sang.

Ý tưởng đột phá lóe lên trong đầu chàng ngư dân trẻ. Sang mạnh dạn bàn với gia đình, nâng cấp tàu cũ, mua thêm tàu cá, đóng tàu mới và trang bị thêm các xe cấp đông, tạo thành mô hình tổ đội hậu cần lần đầu tiên của Đà Nẵng. Năm 2012, ngày Sang hạ thủy con tàu hậu cần ĐNa 90444 gần 1.200 CV (sau nâng cấp lên 1.300 CV) khiến khắp làng chài Đà Nẵng kinh ngạc. 

Con tàu tổng trị giá 3 tỷ đồng, to, dài, cao thuộc hàng “khủng” nhất trong các đội tàu hậu cần miền Trung. Không dừng lại, Sang luôn ấp ủ phải làm sao ứng dụng công nghệ tốt nhất, hiện đại nghề cá. Tàu cá vỏ thép thế giới có từ lâu nhưng Việt Nam vẫn là con số không tròn trĩnh. Khi Chính phủ thí điểm đóng 20 tàu thép cho Quảng Ngãi, Sang bàn với anh vợ Phan Bé đăng ký triển khai.  Nhiều người ngần ngại, nhưng Sang quả quyết: “Chắc chắn sẽ hiệu quả!”. Cả năm trời, Sang tự mày mò, nghiên cứu tài liệu, thiết kế mẫu tàu sắt, trình đơn vị đóng tàu, hình hài tàu vỏ thép thương hiệu Sang Fish 01.

Giữa tháng 7/2014, con tàu hạ thủy, về cửa biển Đà Nẵng trước sự trầm trồ, thán phục. Con tàu kỳ vọng thực hiện nhiệm vụ kép vừa thu gom hậu cần, vừa khai thác bằng nghề lưới vây. Ba chuyến thực nghiệm hậu cần, con tàu Sang Fish 01 khẳng định ưu điểm bởi khả năng lướt sóng, giảm nhiên liệu và bảo quản sản phẩm tối đa. Tuy nhiên, Sang trăn trở: “Mình đang tính cải tạo cabin. Bản thiết kế của mình, tầng 2 cabin nhỏ để khi tàu lớn cập mạn tàu thép sẽ không bị va đập, hư hại”.

Làm chủ công nghệ 

Sang thuộc làu từng tính năng thiết bị trên tàu. Theo Sang, để vận hành tàu thép từ thuyền trưởng, máy trưởng đến các bạn tàu phải có kỹ năng “đặc biệt”, cao hơn tàu gỗ truyền thống. Bản thân Sang tự trau dồi, nghiên cứu và phổ biến các kiến thức về hàng hải, rađa, phát huy công năng của các thiết bị tầm ngư…

“Ngư dân có kinh nghiệm nếu thêm kiến thức, kỹ năng đánh bắt hiệu quả sẽ gấp đôi, gấp ba”, anh Sang nói. Thuyền trưởng Phan Bé cũng tâm đắc: Sau vài sự cố, mọi chuyện trên tàu đã vận hành trơn tru, bài bản hơn. Tàu thép hiện đại nhưng người sử dụng phải tương thích. 

20 tuổi theo nghiệp biển, 30 tuổi, anh Bé có tàu riêng. Từng là chủ nhân đôi tàu giã cào QNg 94679 và QNg 94088, tổng công suất hơn 1.000 CV, trong 2 năm 2012-2013, anh Bé quyết định bán sạch để cùng em vợ Lê Văn Sang, hùn vốn, đóng tàu vỏ thép. Theo anh Bé, Sang trẻ tuổi nhưng quyết đoán, bản lĩnh và có cách tính toán phù hợp. Mình nếu bảo thủ cứ chạy theo tàu gỗ thì khó mà góp phần hiện đại nghề cá được. 

Nhớ lần tranh luận với nhau về chuyện thiết kế mẫu tàu theo quy phạm, với chiều cao thành mạn phải đạt 70 cm, gây khó cho ngư dân, Sang phản pháo: Kể cả bộ phận tư vấn nhà máy đóng tàu, họ cũng nhầm. Có hai quy chuẩn giữa be chắn sóng (70 cm) và be chắn lưới (30-40 cm). Tùy mình chọn để triển khai. Vấn đề cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh nghiệm thực tiễn và lý thuyết. Đưa vào khai thác tàu Sang Fish 01, Sang đang tiếp tục tự thiết kế, hoàn chỉnh mẫu tàu vỏ thép đánh bắt thứ 2.

Trẻ tuổi nhưng rắn rỏi đầy cương nghị, Sang tự nhủ đến với chủ trương đóng mới tàu thép công suất lớn không theo kiểu “phong trào” mà luôn muốn tạo ra một sự tiên phong, đột phá trong cách nghĩ, cách làm. Chàng thủ lĩnh trẻ quyết định tập trung đầu tư dàn ngư lưới cụ với số tiền ngang ngửa với thân tàu vỏ thép. 

Lãnh đạo Hội Nghề cá TP Đà Nẵng đồng tình với nhận định này, nhấn mạnh: “Câu chuyện tàu vỏ thép không chỉ thay mới vỏ tàu từ vỏ gỗ bằng vỏ thép, không chỉ vấn đề cơ giới hóa ngành nghề khai thác thủy sản mà là cơ hội, thời cuộc để ngư dân bước vào giai đoạn mới nâng cấp trình độ đánh bắt chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Ngư dân phải thực sự là những người chủ ở cả phương diện thủ tục hành chính và công nghệ, kỹ năng đánh bắt. Anh Sang chính là một người đi tiên phong như thế”. 

Tháng  8/2015, anh Lê Văn Sang thành lập Hợp tác xã Nghề cá Hải Nhi trên cơ sở Tổ hợp dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng khơi số 1 TP Đà Nẵng. Hiện nay, Hợp tác xã có 12 thành viên và đội tàu 10 chiếc (trong đó, có một tàu vỏ thép). Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất trên biển, Hợp tác xã đầu tư vào nhiều loại dịch vụ trên bờ như sản xuất nước đá, cung cấp ngư cụ... Hiện nay, Hợp tác xã đang đầu tư đóng mới thêm một tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần. 

Giám đốc Hợp tác xã Nghề cá Hải Nhi Lê Văn Sang chia sẻ: Luôn xác định làm việc trên biển cần có sự đoàn kết tập thể nên mình lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp là hợp tác xã. Mô hình này giúp nâng cao khả năng kết nối, tập trung được nguồn lực về vốn, nhân công...  và điều kiện ký kết hợp đồng với các công ty sản xuất, sơ chế. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với xu thế ngày càng có nhiều tàu vỏ thép ra những vùng khơi xa hơn, mở rộng ngư trường đánh bắt. 

“Biển thì rộng lớn, tàu bè và phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại, mình không thể mãi trong vùng gần bờ”, anh Sang nói.


http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/ong-chu-8x-dong-tau-khung-vuon-khoi-giu-chu-quyen-983199.tpo

Theo Nguyễn Huy/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm