Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ 21 trên tổng số 22 sân bay Việt Nam lo điều gì?

Nắm thế độc quyền khi vận hành 21 trên tổng số 22 sân bay dân sự tại Việt Nam, ACV vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thể đưa hạ tầng theo kịp sự phát triển của ngành hàng không Việt.

Ngoài sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), 21 sân bay dân sự còn lại tại Việt Nam đều nằm trong tay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Độc quyền giúp doanh nghiệp thu về lợi nhuận ngày một tăng qua từng năm nhưng đường phía trước của ACV không hề bằng phẳng.

Theo lãnh đạo của ACV chia sẻ với Zing.vn, doanh nghiệp đang có hàng chục nghìn tỷ đồng trong ngân hàng và dự kiến tích lũy được 87.500 tỷ đồng vào năm 2025, đủ để đầu tư hàng loạt các dự án trong khi vẫn dư tiền xây sân bay Long Thành.

Có kinh nhiệm đầu tư thi công, vận hành nhưng đã đã 7 năm qua ACV chưa xây thêm một sân bay mới nào. Sân bay gần nhất mà doanh nghiệp này đầu tư xây dựng là cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang).

acv xay san bay anh 1
Lần gần nhất ACV xây sân bay mới đã là năm 2012 với sân bay Phú Quốc. Ảnh: Báo Giao thông.

Không thể sửa chữa đường băng Nội Bài

Chia sẻ tại nhiều hội thảo và tọa đàm hàng không, lãnh đạo ACV cho hay sự chồng chéo về cơ chế đang trói tay doanh nghiệp, khiến ACV thậm chí không thể sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài đang xuống cấp nghiêm trọng chứ chưa nói tới việc xây sân bay mới.

Với đường cất hạ cánh (đường băng), ACV không thể đầu tư nâng cấp sửa chữa vì đây là tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp chỉ quản lý, khai khu nhà ga cảng hàng không. Do đó, việc sửa chữa, nâng cấp sẽ thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của Bộ GTVT.

“Việc đường cất/hạ cánh, đường lăn, cả sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuất hiện các vết nứt, xuống cấp đã có từ lâu. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nên ACV không thể thực hiện nâng cấp sửa chữa được”, Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt chia sẻ với báo chí.

Nếu đường băng không còn đảm bảo được an toàn bay, hai sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ buộc phải tạm dừng khai thác. Trong vai "ông chủ" của hai sân bay này, ACV sẽ thất thu không nhỏ nhưng lại không thể tự chủ được việc sửa đường băng.

acv xay san bay anh 2
ACV cho biết không thể sửa chữa, nâng cấp các sân bay. Ảnh: Quỳnh Danh

Việc các sân bay của đã "cao tuổi" và doanh nghiệp gặp khó khăn về cơ chế trong nâng cấp, mở rộng đã hạn chế tiềm năng doanh thu của doanh nghiệp. Hiện cả Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều đang hoạt động vượt công suất nhưng lại không được hành khách đánh giá cao về dịch vụ.

Skytrax chỉ chấm hai sân bay lớn nhất Việt Nam 3 trên 5 sao trong đánh giá gần nhất của mình. Các thành viên của diễn đàn Airlines Quality cũng chỉ chấm Tân Sơn Nhất 5 điểm, sân bay Đà Nẵng 5 điểm và Nội Bài 6 điểm, không thuộc nhóm sân bay hấp dẫn hành khách trong khu vực.

Bầu trời mở, cạnh tranh bắt đầu xuất hiện

Việc ACV được phê duyệt xây sân bay mới sẽ còn khó hơn trong tương lai với việc hàng loạt doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia và có phần trong miếng bánh béo bở này.

Hàng loạt các địa phương đang chuẩn bị triển khai các dự án xây dựng sân bay theo hình thức hợp tác công tư PPP hoặc thậm chí xã hội hóa hoàn toàn như tại sân bay Vân Đồn.

Cụ thể, liên danh Tổng Công ty Đầu tư Văn Phú Invest và Công ty Cổ phần Đầu tư VCI đã đề xuất mong muốn lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng tại khu đất sân bay cũ thuộc thành phố Vũng Tàu. Kinh phí xây sân bay mới này là khoảng 1 tỷ USD.

Trước đó Lào Cai cũng cho biết tỉnh đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng hàng không Sa Pa. Tỉnh này đề nghị Thủ tướng chấp thuận hình thức PPP.

Sân bay Sapa dự kiến có công suất từ 2,5 đến 3 triệu khách/năm, đón được tàu bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương, có tổng mức đầu tư lên tới 5.903 tỷ đồng.

acv xay san bay anh 3
Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào thị trường cảng hàng không đang đe dọa thế độc quyền của ACV. Ảnh: Việt Linh.

Hàng loạt các tỉnh thành khác cũng ngỏ ý muốn mời doanh nghiệp tư nhân về đầu tư xây dưng và khai thác sân bay như các sân bay Tràng An (Ninh Bình), Lai Châu, Phan Thiết, Quảng Trị ...

Đầu năm 2019, lãnh đạo một hãng hàng không tại Việt Nam từng tuyên bố chỉ cần chính quyền bàn giao mặt bằng sạch và được chấp thuận chủ trương đầu tư, hãng sẵn sàng xây sân bay để khai thác.

Ngay cả những dự án mở rộng sân bay như dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ACV cũng đang vấp phải cạnh tranh khi dư luận mong muốn dự án này được tổ chức đấu thầu, các doanh nghiệp tư nhân được tham thay vì chỉ định thầu cho ACV như hiện tại.

Dù doanh thu và lợi nhuận của ACV đang tăng trưởng tốt, doanh nghiệp vẫn nắm hơn 90% thị phần cảng hàng không tại Việt Nam, thị trường hàng không đang phát triển bùng nổ, con đường phía trước của ACV rõ ràng không bằng phẳng.

Giữa tháng 10/2019, Chính phủ đã đề xuất giao ACV đầu tư nhiều hạng mục sân bay Long Thành để tránh phụ thuộc vào vốn vay cũng như giúp ACV có nguồn thu để cân đối với các sân bay không sinh lời.

Cụ thể theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sân bay Long Thành theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.

'Ông chủ' của 21 trên 22 sân bay tại Việt Nam đang làm ăn ra sao?

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn đang lãi đậm trong bối cảnh hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ và doanh nghiệp nắm thế độc quyền với 21 sân bay.



Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm