Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông bố trẻ và con 3 tuổi ở TP.HCM chăm nhau khỏi Covid-19

Quốc Đạt và con trai lớn 3 tuổi cách ly trong phòng riêng để tự điều trị Covid-19. Anh chỉ có thể giao tiếp với vợ và con nhỏ sống cùng nhà qua chiếc điện thoại.

Ngày 12/9, Nguyễn Quốc Đạt (sinh năm 1992, ngụ quận 4, TP.HCM) cùng con trai 3 tuổi nhận kết quả xét nghiệm âm tính nCoV lần 2. Sau 14 ngày tự điều trị Covid-19 tại nhà, 2 cha con Đạt hiện còn rất ít triệu chứng.

Chia sẻ với Zing, Đạt cho biết vợ và con thứ 2 của anh lại may mắn không nhiễm bệnh. Để đảm bảo an toàn cho người thân, Đạt cùng con lớn tự cách ly trong phòng riêng, việc ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn độc lập. Anh gọi đó là những ngày "mắc kẹt" trong chính ngôi nhà của mình.

"14 ngày qua, 2 cha con tôi bị 'mắc kẹt' trong phòng riêng. Quãng ngày đó như những vòng thời gian lặp đi lặp lại, ngày nào cũng diễn ra y hệt. Nhờ có con và lời động viên của vợ, tôi mới có tinh thần điều trị bệnh", Đạt nói.

2 cha con tu dieu tri Covid-19 anh 1

Quốc Đạt và con trai cùng mắc Covid-19.

2 cha con cùng bệnh

Quốc Đạt cho biết mình và Tiểu Đa, con trai 3 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 31/8. Biết con mắc Covid-19, Đạt và vợ rất bối rối, hoang mang. Cả 2 nghĩ đến nhiều tình huống xấu, sợ các con gặp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Càng lo lắng, vợ chồng Đạt càng nhanh chóng lên kế hoạch điều trị bệnh và cách ly tại nhà. Gia đình anh cố gắng chuẩn bị nhiều phương án để vừa giúp 2 người ốm mau khỏi bệnh, vừa đảm bảo 2 người khỏe được an toàn.

"Khi đó, vợ chồng tôi có rất nhiều mối lo trong đầu. Cả nhà không nghĩ có ngày Covid-19 lại ập đến như vậy. Nhưng tôi cũng yên tâm phần nào khi vợ và con nhỏ vẫn âm tính. Trong tâm trạng lo lắng, tôi cố chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật dụng cần thiết, sẵn sàng cho những ngày cùng con trai lớn chiến đấu với virus", Đạt chia sẻ.

Đạt và con có chung triệu chứng sốt, anh thêm tình trạng đau đầu, mệt mỏi vào những ngày sau. 2 cha con tự cách ly tại phòng riêng trên lầu, vợ và con nhỏ ở phòng tầng trệt để thuận tiện việc nấu ăn.

Mỗi ngày, 2 cha con đều xông mũi vào buổi sáng, uống vitamin C và súc miệng nước muối thường xuyên. Cả 2 cũng cố gắng ăn nhiều hơn, bổ sung các bữa phụ, uống sữa để không bị đuối sức. Đồng thời, Đạt cũng nghĩ ra những trò vận động để chơi cùng con trai, giúp cơ thể đỡ ì ạch và để con không buồn chán.

"Vợ tôi giúp lo chuyện cơm nước, bày sẵn ở bếp để tôi và Tiểu Đa tự ăn uống. 2 cha con tôi có bộ chén đũa riêng, sử dụng xong sẽ tự rửa và phơi nắng.

Trước khi xuống bếp, chúng tôi phải khử khuẩn toàn thân rồi mới mở cửa. Khi 2 cha con về phòng, vợ tôi lặp lại thao tác khử khuẩn phòng bếp bằng cồn một lần nữa.

Vợ đưa đồ cho 2 cha con bằng cách đặt ở cầu thang, chúng tôi không dám gặp mặt. Việc giặt giũ quần áo cũng hoàn toàn riêng biệt, tôi tự giặt đồ bằng tay rồi phơi trên sân thượng", Đạt kể lại.

2 cha con tu dieu tri Covid-19 anh 4

Đạt và vợ lo lắng 2 con sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc sinh hoạt riêng trong một không gian chung với vợ con không quá khó khăn với Đạt. Tuy nhiên, anh gặp trở ngại bởi cảm giác tù túng do phải ở trong phòng dài ngày.

Đạt chia sẻ nhờ có con trai, anh mới có thể lạc quan để điều trị bệnh. Bởi lẽ cậu bé hiếu động và ít triệu chứng, Đạt cố gắng tỉnh táo để chơi và chăm sóc cho con. Những ngày sốt cao khiến anh mệt mỏi, nhưng thấy con đến giờ chưa được ăn uống, anh lại gượng dậy lo toan, sợ con bị đói, mệt.

"Có con ở chung, nhiều khi tôi quên luôn mình đang bệnh và cũng không cho phép mình lười biếng. Dù nhiều lúc mệt mỏi, cho con ăn là cả một vấn đề, nhưng tôi chỉ sợ mình gục thì con sẽ ảnh hưởng.

Đến ngày thứ 5 cách ly, tôi may mắn hết sốt, chỉ còn đau đầu và mất vị giác, khứu giác. Đến ngày thứ 8, cơ thể tôi gần như trở lại bình thường. Trong khi đó Tiểu Đa lại rất ít triệu chứng. Tôi yên tâm vì mình đã khỏe, có thể chăm con tốt hơn", Đạt cho hay.

Vợ chồng động viên nhau mỗi giờ

Theo Đạt, vợ chồng anh đã phải động viên, trấn an nhau mỗi giờ để giảm đi nỗi lo lắng, sợ hãi. Đạt thấy rằng mình không rơi vào tình trạng bệnh nặng, tuy nhiên do nhà có trẻ nhỏ, anh và vợ không cho phép mình chủ quan.

"2 ngày đầu cách ly, tôi và vợ nhắn tin cho nhau liên tục để khích lệ tinh thần. Khi đó, chúng tôi sợ mọi điều, bảo nhau rằng phải cố khỏe để còn lo cho con cái.

Vợ chồng tôi tránh hết những tin tức, con số tiêu cực, chỉ đọc những thông tin tích cực và tham khảo lời khuyên từ bác sĩ. Tôi và Tiểu Đa cùng nhau tìm xem những bộ phim hài hoặc phim khoa học. Tôi nói với con rằng sau khi khỏi bệnh, 2 cha con sẽ có 'siêu kháng thể', tha hồ đi du lịch", Đạt nói.

Hiện tại, Đạt và con trai vẫn tự cách ly trong phòng đủ 21 ngày, sau đó sẽ đăng ký xét nghiệm PCR để chắc chắn yên tâm. Giờ đây, anh không còn lo lắng, sợ hãi nhiều nữa, cảm thấy tự hào khi đã có thể cùng con vượt qua Covid-19.

Ông bố trẻ cho rằng những F0, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, cần chuẩn bị một tâm lý vững vàng, bình tĩnh và nhiều kiến thức đúng khi phải đối mặt nCoV.

Từ kinh nghiệm cá nhân, theo Đạt, các gia đình không nên có tâm lý lo sợ một người dương tính sẽ lây cho cả nhà. Khi một thành viên có triệu chứng bệnh, người thân nên tự cách ly ngay nếu gia đình đủ điều kiện, tuân thủ quy tắc 5K trong chính nhà mình để hạn chế nguy cơ lây lan virus.

Đặc biệt, những người lớn trong nhà cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình trước tiên để có thể chăm lo cho trẻ nhỏ.

"Theo mình biết trẻ nhỏ thường ít triệu chứng, không gặp tình trạng nặng như người lớn. Các con sẽ không sao đâu nhưng ba mẹ cần lo cho chính mình, có như thế mới đủ sức chăm con.

Mọi người cũng hãy cố giữ tinh thần lạc quan, tìm kiếm các hoạt động tích cực để làm tại nhà, tránh xa tin giả, tin vô căn cứ lan truyền trên mạng. Đối với Covid-19 hay bất kể căn bệnh nào, tinh thần thần là yếu tố rất quan trọng để điều trị bệnh thành công", Đạt nói.

Xe 'mui trần' của các tình nguyện viên tại TP.HCM

Những TNV từ Đà Nẵng vào TP.HCM ngồi trên thùng xe bán tải, xe tải chuyên dụng để đến điểm lấy mẫu xét nghiệm. Họ gọi đó là xe "mui trần".

Thục Hạnh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm